Trong trường hợp xảy ra tranh chấp đất đai, người dân dù không có giấy chứng nhận quyền sử dụng (gọi tắt là sổ đỏ) vẫn được quyền khởi kiện.
Trong quan hệ pháp luật đất đai, tranh chấp bao gồm tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai. Trong đó:
- Đối với tranh chấp đất đai (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) thì hòa giải tại Uỷ ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp.
- Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất (tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,...) thì không phải hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn.
Cũng theo Khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp sau:
1. Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền, cụ thể:
- Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền:
+ Khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết tranh chấp).
- Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền:
+ Khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính (đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết tranh chấp).
2. Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.