Cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ dân tộc thiểu số (DTTS) yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động, nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ
Lao động nữ dân tộc thiểu số làm các công việc không ổn định
Ngày 4/8, tại Hà Nội, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) đã công bố báo cáo "Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019" và Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam".
Kết quả phân tích số liệu tách biệt giới tính trong giai đoạn 2015-2019 trong Báo cáo cho thấy những thành tựu nổi bật về bình đẳng giới trong các vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) như: Tỷ lệ tảo hôn của người DTTS đã giảm 4,7 điểm phần trăm. Tỷ lệ hộ gia đình DTTS có kết nối internet (Wi-Fi, cáp hoặc 3G) tăng 9,4 lần, từ 6,5% năm 2015 lên 61,3% năm 2019. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân một nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần so với năm 2014 và thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình DTTS có chủ hộ là nữ luôn cao hơn so với chủ hộ là nam. Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em DTTS tăng 15,2% trong giai đoạn 2015 và 2019; tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5% trong đó không có sự khác biệt giữa nam và nữ…
Phụ nữ dân tộc thiểu số được chăm sóc sức khỏe
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ một số vấn đề giới ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại trong vùng DTTS &MN. Tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chung ở 53 DTTS tuy có giảm nhưng mức giảm chưa đồng đều và cá biệt vẫn tiếp tục tăng trong một số dân tộc. Báo cáo cũng cho thấy lao động nữ DTTS làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương nhiều hơn so với lao động nam DTTS và lao động nữ người Kinh. Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10-49 tuổi sinh con tại cơ sở y tế đạt 86,4%, tuy nhiên vẫn thấp hơn đáng kể so với phụ nữ Kinh là trên 99%...
Phụ nữ DTTS bất lợi hơn nam giới DTTS trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất-kinh doanh-dịch vụ. Mặc dù phụ nữ DTTS đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất-kinh doanh-dịch vụ các sản phẩm truyền thống ở vùng DTTS&MN, tuy nhiên, tỷ lệ hộ DTTS do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019 chỉ đạt 15,8%, thấp hơn gần 5 điểm phần trăm so với tỷ lệ tương ứng của hộ gia đình DTTS do nam giới là chủ hộ là 20,7%.
Lao động nữ di cư người dân tộc thiểu số
Đối với những nhóm lao động nữ DTTS yếu thế không đáp ứng được các điều kiện tuyển dụng để làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới là lựa chọn ngày càng phổ biến. Mặc dù công việc này có thể mang lại nguồn thu nhập trước mắt cho các phụ nữ yếu thế, nhưng nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong quá trình làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, đặc biệt là mua bán người.
Cần cam kết đầu tư nguồn lực
Ông Bùi Tôn Hiến - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết: "Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và dân tộc có ảnh hưởng phổ biến nhất".
Ông Lưu Xuân Thủy – Vụ trưởng Vụ dân tộc thiểu số - Ủy ban dân tộc đánh giá cao những phân tích về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số. Đây là thông tin nền tảng và hữu ích cho các bên liên quan để thiết kế các chính sách và chương trình can thiệp để đảm bảo phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam - cho biết, mục tiêu của báo cáo nhằm cung cấp cho các bên liên quan một bức tranh rõ nét hơn về thực trạng bình đẳng giới ở các vùng DTTS ở Việt Nam, vấn đề giới nào đang được Chính phủ giải quyết tốt và vấn đề nào cần tiếp tục nỗ lực can thiệp về cả chính sách và chương trình.
Bà nhấn mạnh thêm rằng các vấn đề bình đẳng giới đan xen với các yếu tố dân tộc thường khó giải quyết và đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện cũng như cần những cam kết đầu tư nguồn lực tài chính trong những năm tới. UN Women tin rằng báo cáo này sẽ góp phần lấp khoảng trống về số liệu thống kê giới trong các DTTS Việt Nam và đóng góp vào tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững ở các vùng DTTS.
Giúp chị em tiếp cận dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế
Cần tăng cường cơ hội cho các nhóm nữ DTTS yếu thế được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ và nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế và thị trường lao động nhằm cải thiện việc làm và địa vị kinh tế của họ. Tăng cường hỗ trợ các nhóm phụ nữ DTTS yếu thế nhất được tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng với cộng đồng người DTTS địa phương tới các nguồn lực của Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Comments