Sau một loạt “bài học kinh nghiệm” được rút ra trong gần 30 năm “sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty lâm nghiệp” – giới chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý đất đai đều cho rằng: đã đến lúc cần phải có một “cuộc cách mạng” thực chất hơn cũng như “liều thuốc đặc hiệu” để không gây lãng phí nguồn lực đất đai; đặc biệt là giải quyết được hiệu quả vấn đề thiếu đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phải nhìn nhận đúng bản chất nguồn gốc đất đai
Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc (Văn phòng Quốc hội) cho hay để giải quyết ổn thỏa “bài toán” đất nông lâm trường sau gần 3 thập kỷ “đổi mới” nhưng đến nay vẫn “cũ,” việc đầu tiên là cần phải nhìn nhận đúng bản chất của nguồn gốc đất đai cũng như làm rõ việc tại sao khi bắt tay vào thực hiện thì kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Đặc biệt theo ông Bình, tới đây, việc đổi mới đất nông, lâm trường cần phải có sự thống nhất cao và có sự chỉ đạo sâu hơn, nhất là việc xây dựng phương án để tổ chức sắp xếp, rà soát, đổi mới phải thực chất; còn nếu vẫn theo kiểu “làm cho xong” như thời gian qua thì kết quả đổi mới cũng sẽ không có nhiều thay đổi.
Mặt khác, ông Bình cũng lưu ý rằng để xảy ra tình trạng tranh chấp đất nông, lâm trường; xảy ra mua bán, chuyển nhượng đất đai trong thời gian qua, suy cho cùng là có sự buông lỏng trong cách điều hành, quản lý của các công ty lâm nghiệp và chính quyền địa phương – bởi nếu các địa phương quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn và xử lý răn đe thì các trường hợp vi phạm đã không tràn lan như bây giờ.
“Nói đúng ra là bấy lâu nay chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để xử lý ‘căn bệnh’ buông lỏng trong quản lý, sử dụng đất nông lâm trường,” ông Bình nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc cũng cho rằng về lý thuyết, không thể nói đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “thiếu đất” được. Đơn cử như khu vực Tây Nguyên, ngày xưa, đất đai mà đồng bào sản xuất, canh tác “mênh mông.” Đồng bào sinh sống chủ yếu gắn liền với rừng, gắn liền với sản xuất luân canh, mỗi hộ có đến 5-7 mảnh đất, nhưng đến nay thì diện tích còn lại mà đồng bào canh tác là rất hạn chế.
Về lý thuyết, không thể nói đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “thiếu đất” được.
Vậy tại sao số lượng đồng bào thiếu đất sản xuất ngày càng tăng lên (hiện có trên 330.000 hộ) như vậy? Theo ông Bình, nguyên nhân là do có sự chồng lấn diện tích của đồng bào, địa phương với các nông lâm trường; thứ hai là nhu cầu tách hộ; thứ ba là xu hướng người dân các tỉnh, thành phố “đổ” về rất đông đã dẫn tới việc tăng dân số và tình trạng mua bán, sang nhượng, chuyển nhượng đất đai khi “sốt” giá.
Vì thế, ông Bình cho rằng “Nhà nước không thể chạy theo để giải quyết việc cứ dân kêu thiếu đất là cấp đất được.” Tuy nhiên, ông Bình cũng nêu quan điểm cho giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên là cần phải rà soát lại toàn bộ diện tích đất đai hiện có của các nông, lâm trường theo hướng: Phần nào không phải là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ thì phải trả lại địa phương quản lý. Từ đó địa phương sẽ rà soát, xem xét để giao đất cho người nghèo sản xuất, nhất là hướng dẫn cách sản xuất hàng hóa đi kèm với yếu tố kỹ thuật để mang lại giá trị cao.
Đối với những nơi không còn đất đủ điều kiện để giải quyết cho hộ dân tộc thiểu số thì cần thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề mới và chuyển đổi nghề cho người dân. “Nếu làm được như vậy thì mới bền vững được. Còn cứ hơn 330.000 hộ đồng bào đang thiếu đất sản xuất, giờ Nhà nước lại tìm hơn 330.000ha để cấp thì không thể, về lâu dài chắc chắn cũng sẽ không giải quyết được,” ông Bình nhấn mạnh.
Phải nhìn nhận đúng bản chất nguồn gốc đất đai
Cần một bài toán căn cơ và lâu dài
Vậy để hóa giải những rào cản, vướng mắc không thuận chiều với công cuộc đổi mới, Nhà nước nên thu hồi và sử dụng đất thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Bình cho rằng đã đến lúc cần phải đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, thời gian tới cần phải có một “cuộc cách mạng” để giải quyết triệt để. “Nếu không, tài nguyên của quốc gia sẽ tiếp tục bị mất, người dân vẫn đói nghèo,” ông Bình cảnh báo.
Đưa ra một số đề xuất cho “cuộc cách mạng” nêu trên, ông Bình cho rằng đầu tiên là phải tách bạch được đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường. Ví dụ, ngày xưa, nhà nước giao cho nông, lâm trường 20.000ha nhưng vì để mất rừng, giờ chỉ còn lại 2.000ha, thì Nhà nước phải chấp nhận giữ lại đúng 2.000ha. Nếu là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì Nhà nước cần phải trả tiền để có bộ máy quản lý.
“Phần còn lại không còn là rừng, chỗ nào dân đang sử dụng mà trong quy hoạch còn sử dụng được thì cần chuyển đổi thành đất nông nghiệp và có kế hoạch sử dụng cụ thể. Chỗ nào không thể chuyển thì khoanh lại trồng rừng,” ông Bình gợi ý.
Cần phải có một “cuộc cách mạng” để giải quyết triệt để. “Nếu không, tài nguyên của quốc gia sẽ tiếp tục bị mất, người dân vẫn đói nghèo,”
Vấn đề thứ hai là đất đai hiện đang được Nhà nước giao cho ngành tài nguyên và môi trường quản lý, nông lâm trường do ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý nên việc quản lý, góp ý của các cơ quan cũng khác nhau, không có sự thống nhất. Do đó, giải pháp đặt ra là cần phải “quy về một mối,” quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương và phải có một người chịu trách nhiệm chính. Rừng, đất trên địa bàn mà mất thì người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm.
Nhìn nhận ở góc độ chuyên gia, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho rằng việc giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho người dân và cân đối quỹ đất có nguồn gốc từ nông lâm trường thuộc phạm vi trách nhiệm của chính quyền các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, có lẽ Chính phủ cần có động thái chỉ đạo quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng bế tắc ở nhiều địa phương như Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh.
Nhấn mạnh đến việc quy hoạch đất nông lâm trường hay biến đất không tranh chấp thành tranh chấp để trục lợi, tại phiên họp lần thứ 56 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/5/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý nội dung này cần được làm rõ trong báo cáo về thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ.
Trước đó, góp ý kiến về quản lý và sử dụng hiệu quả đất nông, lâm trường theo tinh thần của Nghị quyết số 112/2015/QH13, tại phiên thảo luận của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Xuân Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) cũng cho rằng Chính phủ cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành tập trung rà soát, kiểm tra cụ thể trên địa bàn từng xã để có phương án xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, làm rõ trách nhiệm của từng cấp trên địa bàn.
Mặt khác, đại biểu Dương Xuân Hòa cũng nhấn mạnh cùng với tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm nghiệp thì việc điều tra, đánh giá lại chất lượng rừng cũng cần được quan tâm vì đất lâm nghiệp trước đây được giao theo Nghị định 116 năm 1999 cho hộ gia đình – hầu hết được giao theo hình thức kê khai không bàn giao mốc trên thực địa nên không xác định được ranh giới cụ thể.
Do đó các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định về việc bàn giao mốc giới, ranh giới sử dụng đất, lập và phê duyệt phương án sử dụng đất đối với phần diện tích mà các nông, lâm trường đã bàn giao về cho địa phương quản lý và giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất; trong đó cần đặc biệt quan tâm đến hộ gia đình tại địa phương thiếu đất để khắc phục tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp đất đai.
Cần một bài toán căn cơ và lâu dài
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu
Rút kinh nghiệm từ thiễn tiễn qua các thời kỳ đổi mới, trong năm 2019, trên cơ sở báo cáo giám sát của Hội đồng Dân tộc, Chính phủ đã xây dựng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030;” trong đó dự án 2 của đề án tập trung vào việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất cho đồng bào nghèo thiếu đất sản xuất ổn định lâu dài.
Theo mục tiêu cụ thể của đề án, đến năm 2025, cả nước sẽ sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì 42%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 50%. Đến năm 2030, nước ta giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên cơ sở đó, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về việc phê duyệt đề án. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện đề án, trình Hội đồng thẩm định quốc gia để thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi – dự kiến chậm nhất sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10/2021.
Cũng trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT- TTg về việc “kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019.” Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất nhằm mục đích: đánh giá thực trạng sử dụng đất đai của từng đơn vị hành chính các cấp xã, huyện, tỉnh, các vùng kinh tế và cả nước để làm cơ sở đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai của các cấp trong 5 năm qua; và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Mới đây, ngày 2/6/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của số liệu kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê đất đai 5 năm theo đúng quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo cơ quan cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, thực hiện phân bổ nguồn lực hợp lý giữa đầu tư kinh phí và khai thác sử dụng đất đai nhằm bảo đảm quản lý hiệu quả nguồn lực đất đai của cả nước; chủ động phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai, phê phán những hành vi sai trái, phát hiện và đưa ra công luận các sai phạm.
Bố trí kinh phí, giải phóng sức sản xuất của dân
Góp thêm ý kiến, ông Ngô Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển cho rằng để “Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2030” triển khai hiệu quả, Nhà nước cần phải bố trí kinh phí giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương và xây dựng lộ trình thực hiện rõ ràng cũng như giao người đứng đầu có trách nhiệm thực hiện.
“Nếu làm được những cái ‘cần’ nêu trên, chắc chắn vấn đề thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ được giải quyết,” ông Hồng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) thì cho rằng giải pháp căn cơ đặt ra hiện nay là cần xác định rõ nhiệm vụ giải quyết tình trạng “sản xuất nông nghiệp và người dân sinh sống trên đất lâm nghiệp” nhằm quản lý, sử dụng đất đúng mục đích; phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên rừng và nguồn lực để nâng cao đời sống người dân.
Đặc biệt, chính sách đất đai cần được đổi mới theo hướng tiếp tục làm rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu về đất đai ở Trung ương và địa phương đối với từng loại đất và phân cấp trong quản lý; hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp, đất ở, nhất là “vùng lõi nghèo của cả nước.”
Tiến sĩ Cao Thị Lý, Trường Đại học Tây Nguyên cũng kiến nghị trước mắt các địa phương cần rà soát, công nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở nơi họ đã sinh sống và canh tác cố định lâu đời. Về lâu dài, cần có những chương trình khảo sát, đánh giá đầy đủ, cụ thể về thực trạng mâu thuẫn, thiếu đất sản xuất của người dân tộc thiểu số tại chỗ ở mỗi địa phương, tránh tình trạng lấn chiếm, mở rộng diện tích; quy hoạch đất canh tác ổn định cho người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Cần phải có các dữ liệu thực về các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đất đai họ đang sử dụng, phương thức sử dụng, hiệu quả sử dụng, thu nhập từ đất đai, từ đó mới có thể đưa ra chính sách điều chỉnh lại đất đai cụ thể phù hợp cho các vùng.
Trên bình diện rộng hơn, giáo sự Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng để có những quyết sách đúng, cần phải có các dữ liệu thực về các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đất đai họ đang sử dụng, phương thức sử dụng, hiệu quả sử dụng, thu nhập từ đất đai, từ đó mới có thể đưa ra chính sách điều chỉnh lại đất đai cụ thể phù hợp cho các vùng.
Theo ông Võ, nguồn lực đất đai trên vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều. Do đó, đối với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, có thể sử dụng phương thức đồng quản lý – đồng hưởng lợi giữa ban quản lý của Nhà nước và cộng đồng địa phương.
Đối với rừng sản xuất, Nhà nước cần giao đất của các công ty lâm nghiệp cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân làm chủ sử dụng, các công ty lâm nghiệp chỉ làm nhiệm vụ dịch vụ, giống. “Có như vậy mới thực sự giải phóng sức sản xuất của dân, làm tốt nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo nhằm tạo bền vững xã hội, từng bước làm cho đồng bào dân tộc thiểu số có đời sống khá giả hơn,” ông Võ nhấn mạnh.
Theo Báo VietnamPlus
Comentários