Sau hơn 20 năm triển khai, dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) do doanh nghiệp Xuân Trường thi công vẫn đang dở dang, chậm tiến độ. Điều này không chỉ gây lãng phí lớn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng trăm hộ dân khi đi chẳng được mà ở cũng không xong.
Hơn 2 thập kỷ sống bất an
Dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê được UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt vào tháng 6/2001, do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Dự án này từng “nổi như cồn” là dự án “siêu đội vốn” từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng và đã làm nóng diễn đàn Quốc hội vào tháng 10/2018.
Thế nhưng, dù nóng đến đâu thì sau hơn 2 thập kỷ thực hiện, trải qua nhiều cơ chế chính sách khác nhau, dự án vẫn tiếp tục kéo dài mà “chưa có ngày về đích”. Hàng trăm hộ dân nằm trong khu vực của dự án phải sống trong khốn khổ, lo âu, thấp thỏm vì những hệ luỵ từ dự án mang lại.
Nhiều hộ dân sống trong những căn nhà xập xệ bên dòng Sào Khê - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Anh Nguyễn Văn Tuyến (thôn Đông, xã Trường Yên) chia sẻ, không hiểu lý do vì sao hiện có nhiều hộ dân nằm trong khu vực dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê mà đến nay vẫn chưa được giải phóng mặt bằng. Bao nhiêu gia đình nhiều năm nay vẫn sống trong căn nhà xập xệ vì không được xây dựng kiến thiết nhà cửa do nằm trong đất dự án.
Theo anh Tuyến, việc chuyển đổi quyền sử dụng đất, mua bán giao dịch đất đai nhà cửa rất khó khăn. Có gia đình cần tiền mà dùng sổ đỏ vay ngân hàng cũng không được vì vào đất của dự án. Mấy năm nay lại dịch bệnh kéo dài khiến cho cuộc sống càng thêm khốn khó, bất an.
Chỉ vào tuyến đường ven sông Sào Khê đoạn qua thôn Đông được làm cách đây vài năm, anh Tuyến cho biết thêm, dạo thi công tuyến đường này làm nhà anh bị nứt nghiêm trọng nhưng đến giờ vẫn chưa thể sửa chữa rất nguy hiểm.
“Chúng tôi chỉ mong đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện dự án để người dân yên tâm kiến thiết, an cư, ổn định cuộc sống”, anh Tuyến nói.
Không những thế, quá trình thi công của dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê, đơn vị thi công đã xây dựng một số đường bắc ngang sông phục vụ cho việc thi công nhưng nhiều năm công trình không hoàn thành nên để lại rất nhiều hệ luỵ.
Một người dân ở xã Trường Thịnh cho rằng, những công trình trên sông nếu không làm nữa thì phải phá bỏ để khơi thông dòng chảy. Việc làm tuyến đường bắc ngang sông khiến dòng nước ùn ứ, trong khi nước thải khu dân cư đổ ra mỗi ngày gây ô nhiễm môi trường.
Kiến nghị đến bao giờ?
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Minh Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) cho biết, hiện trên địa bàn còn 172 hộ nằm trong mốc giải phóng mặt bằng của dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê nhưng chưa có quyết định thu hồi. UBND xã vẫn giải quyết làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng hạn chế việc xây dựng.
Thẩm quyền của UBND xã là ghi nhận tất cả các ý kiến của cử tri, kiến nghị tại các buổi tiếp xúc cử tri của huyện, tỉnh về tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công dự án này. “Quan trọng nhất bây giờ là làm sao đẩy nhanh được tiến độ dự án để người dân có chỗ tái định cư, xây dựng nhà cửa ổn định cuộc sống”, ông Tương nói.
Liên quan vấn đề này, ông Lưu Xuân Tình, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoa Lư cho hay, việc triển khai dự án thuộc về chủ đầu tư, mốc giải phóng mặt bằng đến đâu thì huyện thực hiện giải phóng mặt bằng đến đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm tiến độ dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê, trong đó một phần là do "thiếu vốn" . Huyện vẫn luôn kiến nghị đẩy nhanh tiến độ của dự án để đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Cấp xã kiến nghị, cấp huyện kiến nghị, dự án nạo vét, kè đá 2 bờ sông Sào Khê vẫn dở dang chưa biết “ngày về đích”, hàng trăm hộ dân còn sống trong cảnh bất an đến bao giờ?
Comments