top of page

Tổ chức, vai trò, nhiệm vụ của tổ hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hoà giải ở cơ sở. Những hòa giải viên này thuộc tổ hòa giải, một tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật này. Vậy, hãy cùng nhau tìm hiểu xem tổ chức, vai trò và nhiệm vụ của các đơn vị tham gia hòa giải ở cơ sở là gì thông qua nội dung dưới đây:


1. Tổ hoà giải (Điều 13 Luật Hoà giải ở cơ sở)


Tổ hòa giải có tổ trưởng và các hòa giải viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 03 hòa giải viên trở lên, trong đó có hòa giải viên nữ. Đối với vùng có nhiều đồng bào DTTS, tổ hòa giải phải có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số.


Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.


Hằng năm, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc chủ trì phối hợp với tổ trưởng tổ hòa giải tiến hành rà soát, đánh giá về tổ chức, hoạt động của tổ hòa giải và kiến nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã để đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã kiện toàn tổ hòa giải.


2. Hoà giải viên


Tiêu chuẩn hòa giải viên (Điều 7, Luật Hoà giải ở cơ sở).

Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;

2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.


Bầu, công nhận hòa giải viên (Điều 8, Luật Hoà giải ở cơ sở)

1. Người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 7 của Luật này có quyền ứng cử hoặc được Ban Công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên.

2. Trưởng Ban Công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố tổ chức bầu hòa giải viên ở thôn, tổ dân phố bằng một trong các hình thức sau đây:

a. Biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp đại diện các hộ gia đình;

b. Phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình.

3. Kết quả bầu hòa giải viên:

c. Người được đề nghị công nhận là hòa giải viên phải đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý;

d. Trường hợp số người đạt trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý nhiều hơn số lượng hòa giải viên được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này thì danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên lấy theo kết quả bỏ phiếu từ cao xuống thấp;

e. Trường hợp số người được bầu không đủ để thành lập tổ hòa giải thì tổ chức bầu bổ sung cho đủ số lượng;

f. Trưởng Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.


2. Trách nhiệm của tổ hoà giải ở cơ sở


Tổ hoà giải ở cơ sở có 5 trách nhiệm sau:

  • Tổ chức thực hiện hòa giải.

Sau khi kết thúc hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung ghi sổ. Nội dung sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở gồm:

  1. Ngày, tháng, năm nhận vụ, việc hòa giải;

  2. Họ, tên, tuổi, địa chỉ của các bên, người có liên quan đến vụ, việc hòa giải;

  3. Họ, tên của hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải (nếu có);

  4. Nội dung chủ yếu của vụ, việc và yêu cầu của các bên;

  5. Kết quả hòa giải;

  6. Chữ ký của hòa giải viên, người chứng kiến việc hòa giải và người được mời tham gia hòa giải (nếu có).

Tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm lưu giữ, đôn đốc việc ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.


Như vậy, pháp luật không quy định khi thực hiện hoà giải ở cơ sở phải ghi biên bản hòa giải. Việc ghi biên bản chỉ được thực hiện khi 1 trong các bên tham gia hòa giải yêu cầu.

  • Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiến hành hòa giải vụ, việc phức tạp

  • Phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

  • Kiến nghị với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã về hoạt động hòa giải ở cơ sở, các điều kiện cần thiết cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.

  • Đề nghị khen thưởng tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải.

Comments


bottom of page