top of page

Gian nan hành trình giao lại đất rừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số

Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 tỉnh Kon Tum và Lào Cai coi rừng núi là nguồn cội, là tài nguyên tạo kế sinh nhai, thế nhưng nhiều người trong số họ phải thuê đất từ các công ty lâm nghiệp để sản xuất và duy trì cuộc sống, hoặc chỉ được trả công bảo vệ rừng bằng 1/4 so với mức kinh phí Nhà nước chi trả cho chủ rừng.


Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách để đảm bảo đất sản xuất cho đồng bào DTTS, trong đó có việc tái phân bổ đất, rừng từ các công ty nông lâm nghiệp, tuy nhiên việc thực thi các chính sách này còn rất chậm. Tính đến năm 2018, có 85% diện tích đất dự kiến bàn giao lại cho cộng đồng vẫn còn nằm dưới sự quản lý của các công ty nông – lâm nghiệp nhà nước hoặc chính quyền địa phương.


Dự án “Tăng cường tiếp cận quản lý, sử dụng rừng của đồng bào dân tộc thiểu số” do Cộng đồng chung châu Âu (EU) tài trợ từ tháng 10/2020 đến tháng 9/2023, được triển khai bởi các Tổ chức CISDOMA, OXFAM, CEGORN, CRD tại hiện tại 2 huyện Văn Bàn, Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) và 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plong (Kon Tum). Mục tiêu của dự án nhằm góp phần tăng cường tiếp cận quản lý và sử dụng khoảng 1.500 ha đất và rừng có nguồn gốc từ các công ty lâm nghiệp nhà nước bàn giao lại cho địa phương để giao cho cộng đồng dân tộc thiểu số; xây dựng và chia sẻ quy trình về giao đất, giao rừng có sự tham gia và lồng ghép giới.


Tạo sự tham gia hài hòa giữa các bên vô là cùng quan trọng

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho rằng, để dự án hiệu quả cần xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan, người dân được lợi ích gì, thẩm quyền xử lý xâm phạm rừng được giao cho cộng đồng ra sao.


Kể từ tháng 10/2020, Dự án đã nỗ lực xác định đất và thúc đẩy quá trình giao lại đất rừng cho người dân 2 tỉnh này. Trong suốt 12 tháng, Dự án liên tục gõ cửa chính quyền các cấp, đặc biệt đã thực hiện hàng loạt các cuộc đối thoại, làm việc với các đối tác địa phương từ cấp xã, huyện đến tỉnh (sở nông nghiệp) và các công ty Lâm nghiệp Nhà nước để bàn giao đất cho cộng đồng có được quyền sử dụng trên đất mà cha ông họ đã canh tác.


Làm việc với các cơ quan, công ty Lâm nghiệp. Ảnh: Mạnh Dũng

Song song đó, đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, dự án thực hiện chuỗi hoạt động giới thiệu dự án, thành lập các Ban quản lý Rừng Cộng đồng và tập huấn tăng cường năng lực cho cộng đồng dựa trên nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin (EPIC). Đối với nhóm dễ bị tổn thương là phụ nữ, dự án đặc biệt tập trung kêu gọi, khuyên khích sự tham gia. Ít nhất 3 phụ nữ đã giữ vị trí trong Ban quản lý rừng cộng đồng.

Sau 12 tháng thực hiện, dự án đã tìm được gần 1700 ha đất và rừng để giao lại cho 18 cộng đồng DTTS từ công ty lâm nghiệp nhà nước tại 2 tỉnh Kon Tum và Lào Cai.


Để đất rừng là nguồn sinh kế bền vững cho người dân


Sau khi đất và rừng được giao cho cộng đồng quản lý, các giải pháp sinh kế từ rừng sẽ được các nhóm phát triển, cây trồng phù hợp dưới tán rừng sẽ được gieo, các sinh kế ngoài rừng như thành lập các HTX, phát triển nghề đan lát truyền thống…làm tăng thu nhập bền vững cho người dân sẽ được thực hiện. Mục đích cuối cùng của dự án là giúp nâng cao đời sống người dân, tạo nghề nghiệp ổn định tại địa phương, lực lượng lao động không phải xa quê hương để kiếm thu nhập và địa phương giữ được lưc lượng đáng kể tham gia công tác bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Tiến Luật, Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên đánh giá tích cực về tác động của dự án mang lại cho người dân. Ông cho biết, người dân đồng thuận cao với chủ trương giao rừng cho cộng đồng. Cả 3 thôn, bản trong diện thực hiện dự án đều mong muốn tham gia mô hình này, người dân cũng đang bàn thảo đưa nội dung quản lý khu vực rừng được giao vào hương ước thôn, bản.


Khảo sát tình hình đất thực tế để giao cho người dân. Ảnh: Mạnh Dũng

Trong 2 năm tiếp theo, dự án sẽ tiếp tục làm việc với chính quyền 2 tỉnh Lào Cai và Kon Tum để thúc đấy tiến trình giao diện tích đất rừng đã được xác định cho cộng đồng dân tộc thiểu số bằng các phương pháp có sự tham gia của các bên liên quan, tổ chức đối thoại giữa nhóm QLRCĐ với công ty Lâm nghiệp nhà nước, chính quyền các cấp. Bên cạnh đó Dự án cũng sẽ thúc đẩy thảo luận về sử dụng đất được giao trong cộng đồng, xây dựng các kế hoạch quản lý đất rừng bền vững và cuối cùng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng.

Theo Cisdoma

Comments


bottom of page