top of page

Huyện Cao Phong: Chuyển biến trong công tác hòa giải ở cơ sở

Những năm qua, vai trò của các tổ hòa giải trên địa bàn huyện Cao Phong được phát huy mạnh mẽ, giải quyết nhiều vụ việc, mâu thuẫn trong Nhân dân, góp phần ổn định tình hình ANTT, giữ gìn mối đoàn kết trong cộng đồng, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo.


Cán bộ Tư pháp xã Hợp Phong (Cao Phong) trao đổi về công tác hoà giải với tổ hoà giải xóm.


Để làm tốt công tác hòa giải, ông Bùi Văn Hoà, Trưởng xóm Trang Trong, xã Hợp Phong chia sẻ: Trước khi hòa giải một vụ việc, tôi tìm hiểu ngọn ngành đầu đuôi sự việc, phân tích ai đúng ai sai, đưa ra định hướng cho người dân giải quyết; khi hòa giải phải có thái độ nhẹ nhàng, đặt mình vào vị trí của đương sự. Tổ hòa giải xóm đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giải quyết tốt những vấn đề nảy sinh, qua đó bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.


Nhằm thực hiện hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, xã Hợp Phong đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức như: hàng ngày phát thanh 30 phút trên bản tin xã về những vấn đề liên quan tới hòa giải cơ sở, lồng ghép vào các hội nghị, họp dân, họp chi bộ. Hiện nay, người dân ngày càng có nhu cầu tư vấn trực tiếp nên các hòa giải viên (HGV) luôn chú trọng trau dồi kiến thức pháp luật.


Bám sát phương châm "giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã góp phần giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân - gia đình, đất đai, hành chính...; đồng thời hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Đến nay, huyện đã kiện toàn 88 tổ hòa giải với 483 HGV, mỗi tổ có từ 8 - 10 HGV là những người có uy tín, kinh nghiệm, có khả năng vận động, thuyết phục, tương đối am hiểu pháp luật trong cộng đồng dân cư. Tổ trưởng tổ hòa giải thường là trưởng thôn, hoặc bí thư chi bộ; thành viên tổ hòa giải gồm đại diện các hội, đoàn thể: Phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân… Hàng năm, số vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở khu dân cư được hoà giải thành chiếm hơn 80%. Trong 9 tháng năm nay, trên địa bàn huyện xảy ra, tiếp nhận 41 vụ việc hòa giải (tăng 29 vụ việc so với cùng kỳ năm 2020), đã hoà giải thành 34 vụ việc (chiếm 82,9%), hòa giải không thành 7 vụ việc (chiếm 17,1%).


Đồng chí Lưu Văn Trường, Trưởng phòng Tư pháp huyện đánh giá: Ưu thế nổi bật của đội ngũ HGV cơ sở là họ thường xuyên gần gũi với người dân, bám sát địa bàn, vì thế cách phân tích, chia sẻ dễ được bà con lắng nghe, đồng thuận. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, cùng với việc thường xuyên kiện toàn, củng cố hệ thống tổ hòa giải, huyện đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kỹ năng hòa giải, cung cấp tài liệu cho HGV, để HGV có nghiệp vụ cần thiết trong quá trình hòa giải; tăng cường theo dõi, kiểm tra việc củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đa đạng hình thức giao lưu, tạo điều kiện cho các HGV trao đổi, học hỏi kinh nghiệm như hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, hội thi HGV. Tổ chức tọa đàm về hoạt động hoà giải ở cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở để các HGV nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ; quan tâm bố trí kinh phí cho công tác hoà giải ở cơ sở. Mặt khác, các tổ hòa giải, HGV cần tiếp tục phát huy vai trò trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư, nhất là những vụ việc có tính chất phức tạp, góp phần giữ ổn định an ninh, trật tự địa bàn, thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.



Comentarios


bottom of page