top of page

Hòa Bình: Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai

Theo báo cáo của ngành Tài nguyên - Môi trường (TN&MT), từ năm 2013 đến nay, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp thẩm quyền phê duyệt, toàn tỉnh Hòa Bình đã giao 1.022,25 ha đất sử dụng cho các mục đích. Trong đó, thẩm quyền cấp tỉnh giao 950 ha; cấp huyện giao hơn 71 ha. Cho thuê đất sử dụng các mục đích 1.764,18 ha, gồm thẩm quyền cấp tỉnh cho thuê 1.707,32 ha; thẩm quyền cấp huyện cho thuê 56,85 ha.


Việc giao đất trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chủ yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển hạ tầng như giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội khác. Việc cho thuê đất chủ yếu thực hiện các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, mở rộng sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ đã được cấp phép đầu tư, chủ trương đầu tư. Theo đánh giá, việc giao đất được thực hiện theo các quy định của pháp luật đối với việc giao đất cho tổ chức, cơ quan Nhà nước để phục vụ mục đích quốc gia, lợi ích công công. Việc giao đất, thuê đất thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất... Nghĩa vụ tài chính và đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện đảm bảo quy định pháp luật.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, chậm triển khai dự án vẫn diễn ra khá phổ biến, là tình hình nhức nhối trong công tác quản lý đất hiện nay. Theo đồng chí Trần Đức Thắng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện thu hồi đất của các tổ chức không sử dụng, sử dụng sai mục đích, chậm triển khai dự án, cho thuê trái thẩm quyền để giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý 231,07 ha. Thu hồi đất của các nông, lâm trường quản lý, sử dụng kém hiệu quả, không có nhu cầu sử dụng để giao UBND các huyện, thành phố quản lý, lập trình duyệt phương án sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 13.540 ha.


Thực tế, diện tích đất thu hồi do doanh nghiệp, chủ đầu tư không sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc chậm triển khai thực hiện dự án cần thu hồi đất hiện tương đối lớn. Theo số liệu của ngành KH&ĐT, lũy kế từ trước đến nay có gần 200 dự án đầu tư bị chấm dứt, thu hồi, với tổng diện tích đất cần thu hồi khá lớn. Đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 47 doanh nghiệp sử dụng hơn 2.971 ha đất bị chấm dứt hoạt động đầu tư, chậm triển khai hoặc đang dừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Sở TN&MT đã có thông báo đến 21 doanh nghiệp, sử dụng hơn 265 ha đất yêu cầu thực hiện xử lý tài sản đầu tư dự án trên đất để tiến hành thu hồi đất. Theo lãnh đạo Sở TN&MT, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc khó quản lý đối với các dự án cho thuê đất, khó thu hồi đất khi dự án chậm triển khai tiến độ chủ yếu do thủ tục tiến hành thu hồi đất, xử lý tài sản trên đất.


Ngoài những bất cập trong công tác quản lý, việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất để sử dụng cho các mục đích trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch đề ra. Trong đó, do tích chất lịch sử nên một số trường hợp đất bị thu hồi không có nguồn gốc rõ ràng, khó xác định ranh giới thu hồi đất. Việc quản lý đất đai tại các nông, lâm trường và một số đơn vị sự nghiệp công lập còn thiếu chặt chẽ, nhiều hộ nông, lâm trường viên sử dụng đất không đúng mục đích theo hợp đồng giao khoán, có nhiều hộ xây dựng, chuyển nhượng đất trái phép, lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa hộ dân với nông, lâm trường còn xảy ra.


Trước những khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên đất, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành các giải pháp quan trọng, trong đó đặc biệt đề xuất các giải pháp để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Theo đó, cần tăng cường nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quản lý đất đai và người dân. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai theo phân cấp, phù hợp điều kiện phát triển KT-XH của địa phương; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thi hành chính sách, pháp luật về đất đai, đánh giá tác động chính sách, pháp luật đất đai đối với phát triển KT-XH địa phương. Huy động mọi nguồn lực, quan tâm thỏa đáng việc đầu tư kinh phí tối thiểu 10% nguồn thu từ đất để thực hiện công tác quản lý đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống thông tin đất đai. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật đất đai, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm và giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai.


bottom of page