top of page

L4A: Báo cáo Đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực về quản lý sử dụng đất & tài nguyên rừng

Báo cáo của Dự án L4A vừa qua cho thấy còn nhiều khoảng trống trong kiến thức và kỹ năng của tổ hòa giải cấp cơ sở.

Quản lý đất đai và giải quyết các tranh chấp đất đai ở cơ sở là một hoạt động không đơn giản, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số. Vừa qua, Dự án L4A của Helvetas đã thực hiện một nghiên cứu khảo sát về năng lực quản lý, giám sát sử dụng đất và tài nguyên rừng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, tập trung vào nghiên cứu năng lực hòa giải, giải quyết và giám sát xử lý các vướng mắc về đất đai, qua đó đóng góp vào hoạt động xây dựng chính sách liên quan đến đất đai.


Qua khảo sát thực tế, trong những năm qua, số lượng các vụ tranh chấp đất đai chiếm từ 40-60%, thậm chí có nơi đến chiếm đến 70% các vụ hòa giải ở cơ sở. Cũng theo điều tra, nguyên nhân của việc hòa giải không thành chủ yếu là do hòa giải viên không giải thích được các quy định của pháp luật và không có lý lẽ thuyết phục, thiếu căn cứ nên người dân mặc dù đồng ý hòa giải nhưng trong suy nghĩ vẫn ấm ức, chưa đồng tình tuyệt đối với kết quả hòa giải hoặc hòa giải không thành và phải chuyển lên cấp cao hơn.


Nghiên cứu cũng cho thấy kiến thức của cán bộ hòa giải ở cơ sở còn hạn chế, chẳng hạn như: (i) Hiểu biết về đền bù, hỗ trợ, bồi thường liên quan đến đất đai; (ii) Hiểu về các quy định pháp luật hòa giải; (iii) Hiểu cách thực hiện hòa giải; (iv) Hiểu quy định dân chủ cơ sở về đất đai; (v) Hiểu quy ước ứng xử ở địa phương.


Các hòa giải viên ở cơ sở cũng còn yếu trong các các kỹ năng như: (i) Kỹ năng tìm thông tin, (ii) Kỹ năng xác định vấn đề và nguyên nhân của vấn đề cần hoà giải, (iii) Kỹ năng giải thích, thuyết phục, (iv) Kỹ năng hướng dẫn lập kế hoạch giám sát, (v) Kỹ năng thực hiện giám sát.


Đánh giá kiến thức và kỹ năng của thành viên tổ hòa giải cơ sở


Nhóm chuyên gia của dự án L4A đã phân tích nhu cầu và đưa ra kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, giám sát sử dụng đất và tài nguyên rừng cho thành viên của ban/tổ hòa giải, cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương, cán bộ công chức địa phương và thành viên Liên minh Đất đai (LANDA). Trên cơ sở đó, Dự án L4A sẽ tổ chức các khóa tập huấn cho các cán bộ cơ sở để họ có thể hỗ trợ tốt nhất cho các cộng đồng dân tộc thiểu số đảm bảo quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng, tham gia hiệu quả vào quy trình quản lý đất đai và góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.



Thông tin thêm về dự án:


Dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” (L4A - Secure Land Rights for All) do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ, Helvetas và LANDA)/CCRD đồng chủ trì, thực hiện trong thời gian 03 năm từ 01/06/2020 đến 31/05/2023. Mục tiêu của dự án là góp phần thúc đẩy và tăng cường hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Comments


bottom of page