top of page

Luật Hòa giải bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021

Từ ngày 1/1/2021, mười một luật có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.


Một số điểm đáng chú ý trong Luật Hòa giải là các quy định về 7 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án; bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại và quyết định công nhận hòa giải không bị kháng cáo, kháng nghị.


Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 42 điều. Theo đó, điều 19 Luật quy định 7 trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội; đương sự đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì lý do chính đáng.


Đồng thời, trường hợp một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại; một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; trường hợp khác theo quy định của pháp luật cũng không được tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.


Liên quan đến việc bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án, điều 4 nêu rõ, hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại điều 31. Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.


Một điểm đặc biệt trong luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, là Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trừ trường hợp có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại điều 33 của luật này. Thời hạn đề nghị xem xét lại là 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định công nhận của tòa án.


10 luật khác có hiệu lực từ 1/1/2021 gồm: Bộ luật Lao động; Luật Chứng khoán; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.


Theo TTXVN

コメント


bottom of page