Tóm tắt: Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã và đang chứng minh được vai trò của mình trong việc giúp các bên tranh chấp tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) ở địa bàn cơ sở. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả khái quát những nội dung cơ bản của pháp luật và thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở, chỉ ra một số hạn chế, bất cập, và đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở góp phần bảo đảm ANTT.
Từ khóa: Hòa giải ở cơ sở; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Abstract: In recent years, conciliation at grassroots level has been proving its role in helping the disputing parties to voluntarily settle with each other on the basis of conformity with law and social ethics, especially it plays an important role in ensuring social security and orders at the grassroots level. Within the scope of this article, the authors provide presentation in brief of the key contents of the law and practice of conciliation in grassroots level, give out inadequacies, and also recommendations to improve the effectiveness of conciliation at the grassroots level, for stable social security and orders.
Keywords: Conciliation at grassroots level; assurance of social order; social security.
Tác giả:
THS. VŨ THỊ PHƯƠNG THẢO*
THS. NGUYỄN NGỌC KIM CƯƠNG**
Khoa Luật – Học viện Cảnh sát nhân dân.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về pháp luật và thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở ở nước ta
Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, với ý nghĩa là một biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội, hòa giải đã và đang chứng minh được vai trò của mình trong việc giúp các bên tranh chấp tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội góp phần ngăn ngừa những tranh chấp phức tạp; qua đó nhằm tiết kiệm được thời gian, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án, chi phí của Nhà nước và của nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Từ thực tiễn kết quả công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và công tác hòa giải ở cơ sở nói riêng cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, số vụ phạm pháp hình sự hằng năm thấp. Đây là cơ sở tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Ngược lại, ở những nơi còn coi nhẹ công tác hòa giải, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp có chiều hướng tăng. Đối với lĩnh vực ANTT, việc thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết những tranh chấp mâu thuẫn trong nhân dân, làm tốt công tác phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Trong cuộc sống thường ngày, do khác nhau về quan niệm sống, nhận thức, tình cảm, lợi ích kinh tế… nên việc nảy sinh mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, giữa các hộ gia đình, giữa các cá nhân với nhau trong cộng đồng dân cư là điều khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống, lúc đầu đơn giản, nhưng do không được quan tâm giải quyết kịp thời nên đã nhanh chóng trở thành những mâu thuẫn căng thẳng, phức tạp, thậm chí là nguyên nhân và điều kiện để phát sinh các loại tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản... hay là nguyên nhân phát sinh những “điểm nóng” về khiếu kiện. Vì vậy, thực hiện tốt pháp luật về hòa giải ở cơ sở không những góp phần giải quyết kịp thời các vi phạm pháp luật và mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư mà còn có tác dụng triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác hòa giải, coi đây là một trong những yếu tố bảo đảm cho phát triển kinh tế, ổn định tình hình xã hội. Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm: “Cải cách tư pháp phải kế thừa truyền thống pháp lý dân tộc, những thành tựu đã đạt được của nền tư pháp xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, đồng thời cũng đề ra nhiệm vụ:“Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài,…”. Đặc biệt, ngày 20/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, bao gồm 5 chương, 33 Điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; để thi hành luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở; ngày 18/11/2014, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng ban hành Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTWMTTQVN hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Để nâng cao trình độ pháp luật cho các hòa giải viên, Bộ Tư pháp cũng ban hành nghị quyết số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 về Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên và Quyết định số 4080/QĐ-BTP ngày 31/12/2014 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần làm cho công tác hòa giải ở cơ sở phát huy được hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp ở cơ sở.
Trong Báo cáo số 265/BC-BTP đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Hòa giải cơ sở, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 107.074 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 650.366 hòa giải viên, số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05-07 hòa giải viên/tổ, thành phần tổ hòa giải đa số có hòa giải viên nữ, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Trong số 650.366 hòa giải viên có 22.746 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật, chiếm tỷ lệ 3,5%. Hòa giải viên là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải. Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương, trong 05 năm (từ năm 2014 đến năm 2018) tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 759.118 vụ, việc; hòa giải thành 611.817 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%); hòa giải không thành 147.301 vụ, việc. Điều này cho thấy trong những năm qua công tác hòa giải ở cơ sở luôn được coi trọng và đạt được mục đích đề ra của hoạt động hòa giải.
2. Một số hạn chế, bất cập về công tác hòa giải ở cơ sở
Công tác hòa giải hiện nay vẫn còn có một số hạn chế như: ở một số địa phương chưa thực sự nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội, vì vậy thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này; đội ngũ hòa giải viên còn thiếu phương pháp, kỹ năng và kiến thức pháp luật chuyên sâu về hòa giải; một số cán bộ tư pháp - hộ tịch ở cơ sở còn hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ; một số tổ hòa giải chưa thực hiện đúng theo quy trình về công tác hòa giải ở cơ sở, còn xem việc hòa giải là đơn giản, chỉ mời các bên tiến hành hòa giải miệng, không vào sổ thống kê hồ sơ, nhất là đối với những vụ việc hòa giải thành, nên việc thống kê, báo cáo tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở thấp hơn so với vụ việc hòa giải trên thực tế.
Mặt khác, các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, nhất là tranh chấp trong lĩnh vực đất đai ngày càng gia tăng và phức tạp hơn, trong khi số lượng và trình độ của hòa giải viên còn hạn chế nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hòa giải; nguồn ngân sách nhà nước ở cấp huyện, đặc biệt là ở cấp xã còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải chưa nhiều, việc huy động nguồn kinh phí cho công tác hòa giải cũng còn khó khăn.
3. Kiến nghị
Trên cơ sở đánh giá vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở tới nhiệm vụ đảm bảo ANTT trong tình hình hiện nay và thực trạng của công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước, các tác giả đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền các đoàn thể, tổ chức chính trị và lực lượng Công an ở cơ sở trong thực hiện các vụ việc hòa giải. Hàng năm, tại các địa phương, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp – hộ tịch cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng chương trình phối hợp với Uỷ ban mặt trật Tổ quốc và tổ chức thành viên chỉ đạo, hướng dẫn việc củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động của các Tổ hòa giải; tạo điều kiện và động viên, khuyến khích hội viên, thành viên của mình tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trật Tổ quốc cùng cấp kiện toàn tổ chức, theo dõi, kiểm tra tổ chức và hoạt động hòa giải, qua đó giới thiệu những người có đủ tiêu chuẩn để bầu làm hòa giải viên, động viên nhân dân tích cực tham gia xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động hòa giải. Trong quá trình hòa giải ở cơ sở cần tiến hành phối hợp với lực lượng Công an tại địa bàn như: Cảnh sát khu vực; lực lượng công an cấp xã, phường; cán bộ phụ trách xã... để nâng cao hiệu quả chất lượng công tác hòa giải, cũng như giúp lực lượng công an chủ động nắm bắt được tình hình địa bàn.
Thứ hai, phát huy vai trò hòa giải là phương thức dân chủ phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội. Để hòa giải đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả và vai trò của nó, bản thân hòa giải viên, tổ hòa giải phải biết vận dụng linh hoạt kết hợp chặt chẽ giữa lý và tình để giải quyết sự việc thấu tình đạt lý. Không vì thành tích hay kết quả hòa giải ngày càng cao mà vi phạm đạo đức trong thực hiện nhiệm vụ. Việc thực hiện hòa giải cần tránh trường hợp giải quyết qua loa, chiếu lệ, vụ việc dễ thì làm, khó thì bỏ. Đặc biệt, nghiêm cấm việc thực hiện hòa giải để trốn tránh pháp luật, chính những điều này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động hòa giải. Điều này không những không thể hiện được bản chất tốt đẹp của hòa giải, không làm phát huy được vai trò, ý nghĩa tích cực của nó mà ngược lại còn làm cho hoạt động hòa giải phản tác dụng, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Chính vì vậy, mọi sự hòa giải phải đặt con người vào vị trí trung tâm, phù hợp với đạo đức xã hội. Hoạt động hòa giải phải gắn liền với việc xây dựng và thực hiện các cuộc vận động, phong trào toàn dân đoàn kết và phong trào toàn dân bảo vệ ANTT ở địa phương.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về vai trò của công tác hòa giải, phát huy vai trò của các chủ thể làm công tác hòa giải. Để công tác hòa giải ngày một phát triển, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra cần phải nâng cao nhận thức của nhân dân và cán bộ qua đó thấy được trách nhiệm của mình và nhìn nhận đúng hơn về công tác hòa giải. Cần phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này,từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng. Xác định công tác hòa giải là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần tích cực vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng, khu dân cư.
Thứ tư, hoàn thiện về tổ chức bộ máy thực hiện hòa giải.Xuất phát từ đặc điểm vai trò là tổ chức tự quản của nhân dân, là hoạt động động mang tính chất quần chúng trên cơ sở tự nguyện, do đó để bảo đảm thực hiện pháp luật hòa giải phải xã hội hóa hoạt động này, huy động rộng rãi lực lượng quần chúng nhân dân tham gia phong trào này. Hiện nay, pháp luật về hòa giải đã xác định các chủ thể và nội dung quản lý nhà nước đối với tổ hòa giải và vai trò của các tổ chức - chính trị trong công tác hòa giải. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng là cơ chế quản lý nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc quản lý, chỉ đạo tổ chức và hoạt động hòa giải như thế nào để đảm bảo tính khoa học, phát huy được hiệu quả hoạt động hòa giải trong đời sống xã hội. Để hoàn thiện hơn nữa bộ máy tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải cần mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh bao gồm cả Ban hòa giải, đồng thời quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức của Ban hòa giải.
Hàng năm, cần thực hiện rà soát, thống kê số liệu về tổ chức và hoạt động hòa giải tại các địa phương để kịp thời có biện pháp củng cố, kiện toàn, phát triển tổ chức tổ hòa giải và hòa giải viên. Tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở bằng cách bổ sung thêm biên chế chuyên trách cán bộ tư pháp - hộ tịch để có sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc quản lý, theo dõi các vụ việc hòa giải, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền và ngành cấp trên.
Thứ năm, tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải. Từ thực tiễn công tác hòa giải cho thấy, thực trạng về trình độ của những người làm công tác hòa giải hiện nay là một trong những nguyên nhân làm hoạt động hòa giải thụt lùi. Trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, kỹ năng hòa giải yếu lại không được cập nhập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thường xuyên, nhất là những lĩnh vực pháp luật liên quan đến công tác hòa giải. Vì vậy, hằng năm, Bộ Tư pháp cần chỉ đạo Sở tư pháp, Phòng tư pháp các địa phương cần tổ chức tập huấn chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nghiệp vụ cho những người làm công tác hòa giải. Tổ chức hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm hòa giải hay, kỹ năng hòa giải có tính giáo dục, thuyết phục cao nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho hòa giải viên. Thực tế cho thấy việc tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm sẽ giúp cho các hòa giải viên hiểu rõ hơn, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, tích lũy kỹ năng hòa giải và có kiến thức thực tế. Thường xuyên rà soát lại tiêu chuẩn của hòa giải viên một cách chặt chẽ, nhất là trình độ văn hóa, kiến thức pháp luật và uy tín trong cộng đồng dân cư. Đây là yếu tố mang tính quyết định cho việc hòa giải đạt hay không đạt ngay bước đầu tiên. Vì vậy, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho hòa giải viên là cần thiết và phải được làm thường xuyên, dưới nhiều hình thức khác nhau.
Cung cấp tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật có thể bao gồm các đề cương giới thiệu luật; sổ tay nghiệp vụ hòa giải; sách hỏi - đáp pháp luật. Vì vậy, các cơ quan tư pháp ở địa phương cần có kế hoạch biên soạn các tài liệu để cung cấp đến từng tổ hòa giải giúp cho hòa giải viên tự nghiên cứu nâng cao trình độ.
Thứ sáu, tăng cường hướng dẫn, kiểm tra đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Thực tiễn hoạt động công tác hòa giải cho thấy, nơi nào được sự quan tâm theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của chính quyền các cấp thì công tác hòa giải ở nơi đó luôn đạt được hiệu quả cao. Bên cạnh việc thực hiện việc báo cáo thường xuyên về tình hình hoạt động công tác hòa giải ở địa phương cần phải kết hợp với việc báo cáo, sơ kết, tổng kết 6 tháng, hàng năm để đánh giá toàn diện, khách quan hơn về hoạt động hòa giải, khắc phục kịp thời những hạn chế của công tác hòa giải. Tăng cường công tác đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ tư pháp trong quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn công tác hòa giải. Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ hòa giải phải được tiến hành thường xuyên hàng năm kết hợp với báo cáo sơ kết, tổng kết. Hằng năm, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội phải đưa công tác hòa giải vào chương trình mục tiêu chung của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Định kỳ báo cáo tình hình hoạt động hòa giải để cấp trên nắm bắt và kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác hòa giải. Trên cơ sở các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở các ngành, các cấp tăng cường thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đề ra; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, để giải quyết kịp thời.
Hy vọng rằng, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự nhiệt tình, sáng tạo của các hòa giải viên trong thời gian tới công tác hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước sẽ ngày càng phát huy được hiệu quả, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại địa bàn cơ sở và nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm bảo đảm ANTT ở cơ sở./.
Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 04 (452), tháng 02/2022.
Theo Lập pháp
Comments