Những vụ tranh chấp đất đai kéo dài từ năm này sang năm nọ giữa nhóm người của làng này với xóm nọ, của thôn này với xã nọ cứ thế âm ỉ và lớn dần thành “điểm nóng” ở huyện vùng cao Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Hay chuyện một ngôi làng biệt lập giữa rừng già gần 30 năm qua nhưng chừng ấy thời gian chính quyền không đưa dân rời núi được. Ấy thế nhưng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, những “cái đầu nóng” vốn dĩ chưa bao giờ ngồi chung bàn, đã cạn chung ly rượu lại cười nói vui vẻ, họ trao cho nhau cái ôm nồng ấm. Điều lạ đời đó có được là từ hành động quyết liệt của Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo - người dám lấy sinh mệnh chính trị của mình - để “cược” với dân trong các cuộc hòa giải.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo (phải ảnh) trò chuyện cùng người dân nóc Ông Đến, xã Trà Giang. Ảnh: Lê Đức
Từ trở mặt nhau đến cái ôm thắt chặt
Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi trở lại thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, không khí đón “Tết hòa bình” trở nên nô nức, bởi ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này vừa diễn ra một “lễ ký kết” đặc biệt. Chiếc xe máy “gầm” lên vì đường quá dốc. Xa xa trong lớp mây trời sà trên những tán rừng là Quốc kỳ tung bay trong gió trước hiên các ngôi nhà sàn của đồng bào Cor.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo đi cùng đoàn lâu lâu lại nở nụ cười hạnh phúc, bởi chỉ vài tháng trước câu chuyện tranh chấp đất đai của những người dân xã Trà Bùi với người dân xã Trà Tây kéo dài nhiều năm qua đã được tháo gỡ. Hôm nay ông Thảo lên trao “lời hứa” với dân bằng dự án cấp nước sạch.
Thôn Quế thuộc địa phận huyện Trà Bồng, song bao đời nay lãnh đạo từ cấp xã đến huyện muốn vào họp dân, tuyên truyền hay người dân muốn ra bên ngoài đều phải “đi ké” qua địa phận huyện Sơn Hà. Nói vậy, để thấy những trở ngại, khó khăn mà người dân nơi đây gặp phải.
Vậy nên, chuyện gần 3,2ha đất sản xuất của người dân thôn Vàng, xã Trà Tây bị người dân thôn Quế, xã Trà Bùi xâm canh nhiều năm dẫn đến nhiều người dân thôn Vàng mất đất sản xuất. Để lấy lại đất, người dân thôn Vàng tìm gặp người dân thôn Quế đòi lại nhưng bất thành. Từ chỗ lời qua tiếng lại, câu chuyện lớn dần thành “điểm nóng” nơi non cao.
Biết chuyện, chính quyền hai xã Trà Tây và Trà Bùi tìm cách hóa giải. Song, khi tổ chức họp người dân hai xã có tranh chấp với nhau thì không thành vì họ… không nhìn nhau. Không thể để vấn đề đi quá xa, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo đã cùng lãnh đạo huyện vào thôn lắng nghe để hòa giải. Không khí ban đầu của buổi đối thoại rất căng thẳng vì người dân bên nào cũng cho mình đúng. Để “làm nguội những cái đầu nóng”, ông Thảo bảo mọi người bình tâm trình bày. Những ý kiến của bà con được ghi chép tỉ mẩn và lý giải một cách thấu đáo. Buổi đối thoại dần đi về xế chiều cũng là lúc bà con thôn Vàng và thôn Quế dần xích lại, những ánh mắt sẻ chia hiện ra khi họ được người đứng đầu Đảng bộ huyện giải thích từng vấn đề.
Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo chia sẻ: Ở các huyện miền núi, ranh giới đất đai, tập quán sản xuất của người dân có đặc thù riêng nên tranh chấp thường xuyên xảy ra. Bởi vậy, để đối thoại hòa giải thành công thì phải học, nhất là người đứng đầu như ông. Đó là học cách lắng nghe, học cách thấu hiểu, học cách mềm mỏng, vì trong cơn tức giận người dân có thể dùng từ ngữ khó nghe. Và học cả cách chia sẻ nữa, bởi cái nghèo, cái khó trói buộc người dân, nên mình phải nắm được tâm tư, phải gỡ khó cho đồng bào bằng hành động thiết thực. Có như vậy, đối thoại hòa giải mới thành công, mới khơi gợi được đoàn kết và niềm tin của người dân vào chính quyền.
Cuộc đối thoại đặc biệt giữa rừng già
Nóc Ông Đến cách trung tâm xã Trà Giang hơn 2 giờ đi bộ. Nơi đó có 14 hộ dân với hơn 60 nhân khẩu sống biệt lập gần 30 năm qua giữa rừng già. Từ lâu, chính quyền huyện Trà Bồng muốn dời người dân hạ sơn, nhưng các buổi đối thoại đều thất bại do người dân không đồng thuận. Bởi thế, suốt bao năm qua những đứa trẻ nơi đây lớn lên bập bẹ được con chữ, viết được tên mình thì bỏ dở cuốn sách. Câu chuyện vận động người dân rời làng rơi vào ngõ cụt. Thế nên, việc ông Thảo “xới” chuyện đưa dân rời núi, nhất là bản thân ông thân chinh vào làng để nghe người dân nói chẳng khác nào chuyện… động trời.
Chiều một ngày đầu tháng 4.2022, ông Thảo cùng các cán bộ địa phương lên đường vào nóc Ông Đến. Khi đoàn chuẩn bị hành quân thì trời đổ nước, cơn mưa trái mùa như thể “níu chân” mọi người dời ngày vào làng, vì mưa xuống đường đi thêm bội phần khó nhọc, nhất là các con dốc dựng đứng rộng chưa đầy sải tay trơn trượt và các con suối nước chảy xiết dọc đường sẽ rất nguy hiểm.
Khi mọi người trong đoàn còn đang phân vân thì Bí thư huyện ủy Đặng Minh Thảo động viên các thành viên trong đoàn: “Anh em đi tiền trạm đã gặp già làng, đã trao đổi với người dân là hôm nay Bí thư huyện ủy sẽ vào đối thoại, nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Nếu vì cơn mưa mà mình “thất hứa” thì hôm sau vào nói chuyện người dân sẽ không nghe. Người đồng bào họ trọng chữ tín. Khó mấy cũng phải đi, có quyết tâm thì sẽ đến đích”.
Con đường bêtông từ trung tâm xã Trà Giang chạy đến cầu treo thì hết đường. Phía xa, những ngọn núi trùng điệp nối tiếp nhau. Đoàn người vai balô với đầy đủ vật dụng sinh hoạt cá nhân cùng “cây gậy Trường Sơn” hành quân vào làng. Những con dốc đứng dần hiện ra, tiếng thở dốc của các thành viên trong đoàn ngày càng nhọc hơn, nhưng ai nấy đều tiến về phía trước. Mệt quá cả đoàn lại dừng chân nghỉ ngơi, ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi nhưng tâm trạng vừa háo hức vừa âu lo. Con đường vào làng dưới tán rừng già cứ xa vời vợi. Và rồi, nóc Ông Đến cũng hiện ra với những mái nhà thấp thoáng dưới rừng cây khi kim đồng hồ nhích dần về cuối ngày.
Giữa bốn bề núi rừng tối mịt, tiếng muông thú từ xa vọng lại, trong căn nhà giữa xóm, bà con nóc Ông Đến tụ tập đông đủ. Mở lời buổi đối thoại, ông Thảo xin được gọi người dân bằng hai tiếng “bà con”. Một tràng pháo tay vang lên, không khí buổi đối thoại thêm chân tình với những nụ cười cùng các cử chỉ thân mật xuất hiện.
Những đồng bào Cor thay phiên nhau phát biểu, họ giãi bày tâm tư cùng những trăn trở tương lai phía trước. Đó là chuyện con em học hành ra làm sao, về khu tái định cư sinh sống thì có được cấp đất sản xuất không? Có được hỗ trợ tiền xây nhà, có được cấp điện thắp sáng, cấp nước sinh hoạt không?... những câu hỏi kiểu vậy luôn được đặt ra.
Ông Hồ Văn Thắng, một hộ dân nóc Ông Đến trải lòng: “Tôi ngồi nghe bà con phát biểu, nghe ông Bí thư trả lời, tôi biết đó là thành tâm của chính quyền. Thật lòng, bà con chúng tôi cũng muốn rời làng về xuôi, nhưng huyện phải hứa là chúng tôi về dưới đó thì phải giữ đúng lời hứa, đừng “bỏ rơi” bà con. Về dưới đó nhưng đất trên này vẫn phải cho bà con canh tác…”.
Mỗi câu hỏi của người dân được Bí thư huyện ủy Trà Bồng Đặng Minh Thảo giải đáp một cách chi tiết, tận tình. Từ chỗ người dân hỏi thì dần về đêm khuya, ông Thảo hỏi ngược bà con. Hỏi thăm về sức khỏe, về cuộc sống, về mong ước của từng người. Những lời chia sẻ tận đáy lòng của người đứng đầu Đảng bộ huyện đã “đốn gục” những tâm tư và người dân như được gỡ hết các thành kiến. Đến lượt, ông Thảo nói nếu bà con đồng ý rời làng về khu tái định cư thì biểu quyết bằng giơ tay. Lời ông Thảo chưa dứt thì 14 cánh tay đại diện cho 14 gia đình đồng loạt giơ lên. Căn nhà sàn giữa rừng sâu lại vang lên tràng pháo tay cùng những nụ cười hạnh phúc.
“Vậy là 100% người dân đồng ý rời làng. Biết rằng, để đưa bà con về xuôi rất gian nan, nhưng bằng tất cả sự quyết tâm và trách nhiệm từ huyện đến xã đã đồng cam, cộng khổ. Cuối cùng, cái gật đầu đồng thuận của bà con không gì vui bằng. Vui cho sự chia sẻ, vui vì tất cả đều nhìn về tương lai của con em mình. Sẽ mãi là cảm xúc tuyệt vời nhất khi niềm vui trọn vẹn” - ông Đặng Minh Thảo tâm sự.
Đối thoại để chuẩn bị đất sản xuất cho người dân nóc Ông Đến
Để đảm bảo việc cấp đất sản xuất cho người dân nóc Ông Đến, chính quyền huyện Trà Bồng đã tổ chức một buổi đối thoại khác dưới ngôi miếu của làng với 35 hộ dân xã Trà Phú đang canh tác trên đất lâm nghiệp do UBND xã Trà Giang quản lý để vận động các hộ dân trả lại 14/55,8ha đất cho xã Trà Giang nhằm tạo quỹ đất để cấp đất sản xuất cho người dân nóc Ông Đến khi họ rời làng. Dù cuộc sống của 35 hộ dân còn nhiều khó khăn, nhưng khi biết chính quyền “xin” đất là để cấp đất sản xuất cho 14 hộ dân nóc Ông Đến nên ai nấy đều tán thành.
Theo Lao động
Comments