Chỉ trong một thời gian ngắn, tại tỉnh Bình Phước liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến mua bán đất đai gây xôn xao dư luận. Các cơn "sốt đất" liên tiếp xảy ra, nhiều người quay cuồng vì đất, có người vi phạm pháp luật vì đất.
Liên tiếp "sốt đất", "quay cuồng" vì đất
Tháng 3.2022, tỉnh Bình Phước đề xuất chủ trương làm cầu Mã Đà kết nối với Đồng Nai. Ngay sau khi có thông tin trên, giới đầu tư, cò đất đổ về dựng bảng rao bán đất ở xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước.
Giá đất khu vực xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú được cò đất thổi tăng dựng đứng tạo nên cơn "sốt đất". Tuy nhiên, "cơn sốt" đã nguội lạnh, giới đầu cơ "tan tác" ngay sau đó, khi có những ý kiến phản biện về việc thực hiện dự án cầu Mã Đà.
Mới đây, ngày 21.4, dư luận tiếp tục xôn xao trước video hàng trăm người chen chúc, xô đẩy nhau giành chỗ xếp hàng vào bốc số thứ tự ở một đơn vị hành chính tại huyện Chơn Thành, Bình Phước.
Trong đoạn clip, cả trăm người chen chúc trước cổng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành, mỗi người trên tay đều cầm một túi hồ sơ. Khi cửa cổng vừa mở, đám đông ùa vào, chen nhau giành vị trí xếp hàng, bốc số thứ tự làm hồ sơ. Nhiều người do quá vội đã ''ngã chổng vó''.
Có người ngã khi tranh nhau vào làm sổ đỏ trong cơn sốt đất.
Anh Nguyễn Yên (27 tuổi, làm nghề môi giới đất) cho biết thời gian gần đây, giao dịch chuyển nhượng bất động sản tại địa bàn huyện Chơn Thành rất nhiều. Người dân đi làm thủ tục sang tên rất vất vả, có khi phải đi từ 2h hoặc 3h sáng. Có người phải đi 3 ngày mới bốc được số thứ tự để vào làm hồ sơ. Do quá đông, nên mới xảy ra cảnh tranh nhau.
Theo anh Nguyễn Yên, nguyên nhân dẫn đến sự việc bắt nguồn từ việc nhiều người dân ở Bình Dương, TPHCM về Bình Phước săn tìm đất. Hiện nay, những thửa đất trong các dự án cũ từ 120-300 m2 tại Chơn Thành Bình Phước có giá từ 600-800 triệu rất dễ bán.
"Người dân cho rằng sắp có cao tốc từ TPHCM lên Chơn Thành nên sau này di chuyển thuận lợi hơn. Đầu tư đất từ bây giờ sẽ có lời nên các giao dịch chuyển nhượng thời gian gần đây rất nhiều"- anh Nguyễn Yên cho biết.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Sáng (35 tuổi, ngụ Bình Dương) cho biết, tin lời môi giới, tháng 3.2022 anh gom góp rồi mượn tiền gia đình 600 triệu lên tận xã Minh Lập, Chơn Thành mua thửa đất ngang 5m dài 60m, hiện bây giờ vẫn chưa sang tên đổi sổ được.
Còn anh Lê Văn Tám (45 tuổi, ngụ Thủ Dầu Một, Bình Dương) tin lời môi giới cũng đã đầu tư một thửa đất gần 500 triệu tại Chơn Thành, Bình Phước. Tuy nhiên do không tìm hiểu rõ, mua phải đất sổ chung nên sau 3 tháng vẫn chưa làm hồ sơ để chuyển nhượng được. "Tin lời anh em, tôi chuyển hết tiền. Tuy nhiên giờ đất không ra được sổ, tôi muốn bán sang tay người khác cũng không được"- anh Tám ngậm ngùi chia sẻ.
Lập web và ứng dụng trái phép sử dụng dữ liệu đất đai không chính xác
Các "cơn sốt đất" khiến những người mang mộng làm giàu "quay cuồng vì đất". Cơ quan chức năng còn phát hiện nhiều người thực hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngày 24.4, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị vừa phát hiện 1 trang thông tin điện tử và 1 ứng dụng đã sử dụng trái phép nguồn dữ liệu bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Các đối tượng đã khai thác bất hợp pháp nguồn dữ liệu nhằm mục đích trục lợi từ việc thu phí của người sử dụng. Đáng nói, trang thông tin điện tử và 1 ứng dụng đã cung cấp thông tin dữ liệu không có cơ sở pháp lý, không chính xác dẫn đến nhầm lẫn cho tổ chức, cá nhân xem thông tin từ các trang mạng này. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến các giao dịch bất động sản và gây hậu quả pháp lý về sau.
Hiện, vụ việc đã được chuyển hồ sơ sang đơn vị chức năng để xử lý.
Theo Báo Lao động
Comments