top of page

Những vụ tranh chấp đất đai kết thúc bằng tình người

Những vụ tranh chấp đất dai dẳng giữa các xã miền núi ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã kết thúc có hậu. Những người vã mồ hôi khai hoang sẵn sàng nhường đất cho các hộ dân biệt lập ở rừng sâu mấy chục năm "xuống núi".

Bà con thôn Vàng đã giao lại sổ đỏ phần diện tích khoảng 13ha đất trước đây tranh chấp với thôn Quế cho huyện Trà Bồng trồng cây gỗ lớn - Ảnh: M.T

Tranh chấp đất đai ở miền núi rất khó giải quyết bởi nó liên quan đến sinh kế của nhiều hộ gia đình và ai cũng có cái lý của mình. Bởi vậy, việc dân vận phải khéo léo và thấu tình thì bà con mới nghe và làm theo.
Ông Đặng Ngọc Hoàng (chủ tịch UBND xã Trà Phú)

Còn nơi tranh chấp khác, bà con thống nhất giao đất lại cho địa phương trồng cây gỗ lớn.


Lòng chạm lòng, lắng nghe và sẻ chia. Người dân - chính quyền và người dân - người dân đã tìm được tiếng nói chung, ở đó chỉ có yêu thương và sẻ chia tồn tại.


Nhường đất trồng cây gỗ lớn


Xã Trà Bùi và Trà Tây (huyện Trà Bồng) nằm ngay bên cạnh đỉnh Cà Đam (đỉnh núi cao nhất tỉnh Quảng Ngãi). Dù nằm ở huyện Trà Bồng nhưng con đường nhanh nhất đến khu vực tranh chấp đất phải đi nhờ qua phần đất của huyện Sơn Hà. Nói như vậy để thấy sự cách trở của non cao, và ở chốn thâm sơn này, nhận thức của bà con cũng mập mờ như chính địa giới "lồi lõm" dẫn đến tranh chấp đất kéo dài suốt 4 năm.


Bà Hồ Thị Vy Na, Bí thư Đảng ủy xã Trà Tây (huyện Trà Bồng), chia sẻ: "Người dân thôn Vàng (xã Trà Tây) và thôn Quế (xã Trà Bùi) trước đây sống rất thân tình. Nhưng từ khi vụ tranh chấp xảy ra, họ chẳng còn nhìn mặt nhau. Ròng rã nhiều năm, việc tìm được tiếng nói chung của người dân hai thôn gặp nhiều khó khăn và có lúc phát sinh điểm nóng", bà Na tâm tình.


Chuyện tréo ngoe chỉ xảy đến ở chốn rừng núi với phần diện tích đất tranh chấp được Nhà nước cấp sổ đỏ cho người dân thôn Vàng nhưng người dân thôn Quế lại canh tác. Đây là hình thức "chiếm canh" thường xảy ra ở chốn núi rừng. Ông Hồ Thanh Vương (thôn Vàng) bảo rằng vì đường xa cách trở nên hơn 3ha đất của người dân thôn Vàng bị người dân thôn Quế chiếm trồng lúa lúc nào không hay. Những người đồng bào Cor tự đi tìm tiếng nói chung, nhưng rồi không bên nào chịu nhường bên nào. "Khi chưa uống với nhau ly rượu hòa giải, dân thôn Vàng thề sẽ không đội trời chung với người thôn Quế. Còn giờ chúng tôi thân tình như anh em rồi", ông Vương cười hiền.


Để hóa thù thành bạn, ông Đặng Minh Thảo, bí thư Huyện ủy Trà Bồng, vẫn nhớ như in những cuộc họp "làm dịu những cái đầu nóng". Người Cor thương nhau tận ruột, nhưng khi ghét cũng tận da. Họ kiên quyết không chịu ngồi chung cuộc họp. Lúc này, vai trò của già làng và những người có uy tín trở nên vô cùng quan trọng. Khi người có uy tín gật đầu, cả làng sẽ thông.


Ông Hồ Văn Thính, trưởng thôn Vàng, cũng có phần đất bị người dân thôn Quế chiếm canh. Dĩ nhiên ông rất bức xúc, nhưng khi nghe ông Thảo bảo rằng có thôn nào thì cũng là người Cor, cũng đều mang họ Hồ. Còn có thể giải quyết, sao phải nặng nhẹ với nhau. Ông Thính nhận ra tình người to lớn và cần giữ gìn nét đẹp truyền thống đoàn kết của đồng bào mình. Ông Thính trút hết ruột gan với ông Thảo, và khi ông Thảo ngỏ ý để những người có uy tín nhất của hai thôn trò chuyện với nhau trước và có lời mời, ông Thính sẵn sàng đi "thương thảo" với già làng thôn Quế. "Cuộc nói chuyện thành công, hai thôn thống nhất ngồi nói chuyện và chính quyền làm trọng tài. Tôi về phổ biến và bà con đồng thuận ngay", ông Thính chia sẻ.


Sau lần ấy, những cuộc họp tiếp theo trở nên "dễ thở". Bà con thật bụng muốn giữ rừng tạo nguồn nước. Và cả thôn Vàng sẵn sàng giao lại toàn bộ khu vực với gần 13ha cho chính quyền trồng cây gỗ lớn, để tạo nguồn nước cho cả hai thôn. Thật lạ, người dân ở chốn sơn cùng thủy tận này dù chữ nghĩa bập bẹ nhưng lại nắm rõ chủ trương chung của Nhà nước. Người Cor là chủ nhân của núi rừng, từng khai hoang trồng keo phát triển kinh tế, nay lại muốn nhường đất cho chính quyền trồng cây gỗ lớn.


"Bà con chỉ yêu cầu chính quyền phải làm cho họ hệ thống nước sạch thì sẽ giao lại sổ đỏ cho Nhà nước. Tôi hứa với bà con sẽ đáp ứng ngay nguyện vọng chính đáng ấy. Bà con đã chọn tình người, biến phần đất tranh chấp thành tài sản chung" - ông Thảo, bí thư Huyện ủy Trà Bồng, nói.


Những ngày cuối tháng 4, trên vùng non cao, người dân mang sổ đỏ lên tận thửa đất của mình. Họ vui vẻ giao lại cho chính quyền. Người thôn Quế, thôn Vàng từ nay sẽ cùng sử dụng phần đất tranh chấp. Sắp đến, huyện Trà Bồng sẽ trồng trên phần đất ấy những cây lim, hương, cẩm. Rễ cây sẽ bám sâu vào lòng đất như tình người Cor hai thôn dành cho nhau. Và cánh rừng trăm năm ấy sẽ được giao lại cho chính người dân từng là chủ thửa đất chăm sóc, bảo vệ.



Ông Đặng Minh Thảo (phải) trò chuyện với người có uy tín ở nóc Ông Đến, vận động người dân xuống núi - Ảnh: M.T


Nóc Ông Đến xuống núi


Tương tự, đất thuộc địa giới xã này mà người dân xã kia canh tác xảy ra ở xã Trà Giang và Trà Phú. Sự việc kéo dài 14 năm với bao cuộc đối thoại bất thành. Những người dân vã mồ hôi khai hoang ở xã Trà Phú kiên quyết không chịu trả đất cho xã Trà Giang. Chính quyền địa phương biết lấy lý ra xử sẽ thu hồi lại đất, nhưng tình người thì không thể. Dù sao, những người ở xã Trà Phú cũng vã mồ hôi đào đá, phá chồi cây dại trong nhiều năm ròng mới có được phần đất ấy.


Một buổi tối cuối tháng 7-2021, cán bộ xã Trà Phú và huyện Trà Bồng phải vào tận thôn Phú Tài (xã Trà Phú) để họp với 35 hộ dân đang canh tác trên đất lâm nghiệp do UBND xã Trà Giang quản lý. Mong muốn của chính quyền là vận động các hộ dân ở Trà Phú trả lại đất cho xã Trà Giang. Bởi lẽ từ nhiều năm qua, xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm hướng tháo gỡ nhưng các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Ông Võ Tiến Thế, bí thư Đảng ủy xã Trà Phú, nhớ lại: "Người dân cho rằng toàn bộ diện tích 55,8ha ở khu vực do mình cực khổ khai hoang được. Việc vượt qua địa giới xã Trà Giang 14ha do họ không biết. Nếu chính quyền muốn thu lại thì phải đền bù. Nhưng rồi khi nghe chúng tôi nói đến 14 hộ dân ở nóc Ông Đến (thôn 2, xã Trà Giang) đã sống biệt lập suốt 30 năm qua. Phần đất người dân trả lại sẽ tái định cư 14 hộ dân này thì bà con bắt đầu nhỏ giọng".


Họ cùng nhìn về phía non cao, ai cũng biết nóc Ông Đến rất xa, người khỏe mạnh phải mất hai giờ đi bộ liên tục mới đến nơi. Để xóa bỏ cách trở ấy, nhiều năm qua chính quyền phải băng rừng vận động. Sự sẻ chia dần hiện lên trên khuôn mặt những người dự họp. Họ nghĩ về 14 hộ dân ở nóc Ông Đến đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống khó khăn. Y tế, giáo dục vẫn còn cách xa họ. Hiểu rõ lý do chính quyền vận động trả đất, người dân lập tức đồng tình. "Người dân chỉ chấp nhận giao lại đất cho 14 hộ dân xuống núi tái định cư. Nếu không thực hiện thì họ sẽ đòi lại đất. Có thể nói tình người đã chiến thắng trong vụ tranh chấp này. Đó cũng là nút thắt được tháo bỏ", ông Thế tâm tình.


Anh Võ Văn Anh (thôn Phú Tài, xã Trà Phú), là một trong những hộ tiên phong giao lại đất, bảo rằng rất tiếc phần đất mình bỏ công khai hoang nhưng nghĩ giao lại cho bà con nóc Ông Đến tái định cư là việc nên làm. Dù sao bà con xuống núi cũng cần có đất sản xuất để ổn định cuộc sống. "Cái gì đúng, thấu tình thì mình sẽ thực hiện ngay. Tôi mong bà con nhận phần đất của chúng tôi khai hoang sẽ phát triển kinh tế, con cái được học hành và cuộc sống tốt hơn ở trên núi cao cách trở", anh Anh nói.


Đêm dân vận ấy, những cán bộ trực tiếp tham gia buổi đối thoại, vận động không thể nào quên được. Cán bộ cực nhưng lại đạt hiệu quả cao nhất, bởi tất cả người dân đều dự đông đủ. Họp ban ngày, người này đi rẫy, người kia làm thuê, rất khó để tâm tình và truyền đạt đầy đủ cho tất cả bà con có quyền và nghĩa vụ liên quan. Vậy là vụ tranh chấp đã được giải quyết xong, nhưng hơn cả, chính sự đồng lòng của người dân đã giúp chính quyền giải quyết vấn đề lớn hơn là tái định cư cho người dân nóc Ông Đến. Sẽ không còn điểm nóng tranh chấp đất. Tất cả dừng lại ở tình người và yêu thương. Rồi đây, một ngôi làng mới sẽ hình thành và bình yên giữa núi rừng...


Comments


bottom of page