Mới đây, 2 người đã thiệt mạng do mâu thuẫn tranh giành đất đai ở Phú Quốc. Đây là tiếng chuông báo động cho việc quản lý an ninh trật tự trên địa bàn TP Phú Quốc.
96% đơn khiếu nại tố cáo tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang liên quan đến lĩnh vực đất đai, con số này đã từng được Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố trong năm 2021.
Nhiều cảnh báo về những hệ lụy từ các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai đã được đưa ra. Đặc biệt mới đây, 2 người đã thiệt mạng do mâu thuẫn tranh giành đất đai. Đây cũng đồng thời là tiếng chuông báo động cho việc quản lý an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Những vết tích còn sót lại trong vụ hỗn chiến khiến 2 người thiệt mạng và 44 người bị bắt giữ vì tranh chấp đất tại xã Cửa Dương. Sau 1 tuần, chủ nhân của ngôi nhà vẫn chưa thể sửa chữa được. Bất an, tâm trạng này có lẽ sẽ phải rất lâu nữa người đàn ông này mới có thể vượt qua sau khi chứng kiến vụ việc.
Tình trạng lấn chiếm đất dự án, đất rừng và việc tranh chấp của các doanh nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự.
"Không còn như ngày xưa, giờ mất an ninh trật tự. Ngày xưa xe để trước nhà, mở cửa ngủ thoải mái, không sợ gì xảy ra", người dân xã Cửa Dương, TP Phú Quốc, Kiên Giang, chia sẻ.
Đây không phải lần đầu có người thiệt mạng do tranh chấp đất đai tại Phú Quốc, vào các năm trước cũng đã có nhiều vụ việc tương tự. Từ cuối năm 2021 đến nay, lực lượng công an đã bắt giữ và xử lý hơn 200 đối tượng liên quan đến tranh chấp đất đai; trong thời gian tới sẽ tiếp tục triệt phá các băng nhóm nguy hiểm trên địa bàn.
"Để có người thực hiện nhiệm vụ này, lực lượng công an Phú Quốc phần nào đó cũng chưa đáp ứng đầy đủ quân số để công an Phú Quốc thực hiện tốt công tác phòng ngừa", Thượng tá Lê Minh Chánh, Phó trưởng Công an TP Phú Quốc, Kiên Giang, cho biết.
"Xác định đất nào của Nhà nước thì thu hồi đất cho Nhà nước. Xác định giấy tờ, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Đất nào của dân, có rõ nguồn gốc thì cấp giấy cho người dân với thời gian nhanh nhất để quản lý nhà nước về đất đai, tránh trường hợp tranh chấp tiếp theo", Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, cho hay.
Phú Quốc đang có hơn 300 dự án xây dựng và 47 dự án đang triển khai. Tình trạng lấn chiếm đất dự án, đất rừng và việc tranh chấp của các doanh nghiệp là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự.
Giá đất lên cao, trong khi quản lý đất đai ở Phú Quốc vẫn còn đang còn nhiều bất cập, những vụ việc như ở xã Cửa Dương là hệ quả khó có thể tránh được.
Siết chặt quản lý đất đai
Hoạt động giao dịch, chuyển nhượng đất đai tăng đột biến, giá đất tăng cao dẫn đến hiện tượng phá và lấn chiếm đất lâm nghiệp diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, tài nguyên rừng bị xâm hại làm đất ở. Đây là những vấn đề nan giải đang diễn ra trên địa bàn thành phố Phú Quốc nhiều năm qua. Để giải quyết triệt để cần phải hoàn thiện được thể chế, cũng như quy hoạch chi tiết ở địa phương, từ đó sẽ có cơ sở để xóa sổ nạn lấn chiếm, tranh chấp bừa bãi như hiện nay.
Những tấm quảng cáo mua bán đất giá rẻ không khó bắt gặp ở Phú Quốc. Sự phát triển nóng về đất đai cùng với việc chưa hoàn thiện quy hoạch chi tiết là nguyên nhân khiến nhiều đối tượng lợi dụng để lừa đảo, dẫn đến việc mất an ninh trật tự trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Xã Dương Tơ là nơi đang có 100 dự án, chiếm 1/3 số dự án của thành phố. Có nhiều số điện thoại còn sẵn sàng giao bán đất ở những nơi chính quyền địa phương đang quản lý chờ giao cho nhà đầu tư. Để nhiều người không bị lừa dẫn đến việc tranh chấp, khiếu kiện như trước đây, chính quyền địa phương đã phải cắm những tấm biển để cảnh báo.
"Có 108 dự án, trong khi hiện nay cán bộ địa chính chỉ có 2 đồng chí nên việc quản lý địa bàn rộng, tình hình kinh tế phát triển, tất cả các nơi tập trung về đây để đầu tư", ông Huỳnh Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Dương Tơ, TP Phú Quốc, Kiên Giang, cho biết.
Để nhiều người không bị lừa dẫn đến việc tranh chấp, khiếu kiện như trước đây, chính quyền địa phương đã phải cắm những tấm biển để cảnh báo.
"Hàng năm, Phú Quốc cũng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, đặc biệt là ủy ban các xã, phường thực hiện nghiêm túc quy hoạch sử dụng đất 5 năm, rồi hàng năm. Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng phối hợp quản lý đối với vườn quốc gia Phú Quốc về việc quản lý và xử lý việc lấn chiếm", ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, Kiên Giang, thông tin.
Do đa số nguồn gốc là đất rừng được khai hoang nên nhiều trường hợp khó khăn về việc phân định mốc giới, hoặc xác định chính xác thời gian người dân bắt đầu đến sinh sống từ thời điểm nào hiện cũng đang gây rất nhiều khó khăn cho địa phương trong việc giải quyết xử lý.
Giải pháp hạn chế tranh chấp đất đai tại Phú Quốc
Để giải quyết triệt để những khó khăn trước mắt, UBND tỉnh Kiên Giang đã từng kiến nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Quốc hội xem xét phân cấp cho UBND cấp huyện xác định giá đất để tính giá bồi thường cho các dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời phân cấp cho địa phương được chuyển đổi sử dụng mô hình đất rừng, đất lúa thuộc thẩm quyền của thủ tướng Chính phủ.
''Do hệ thống pháp luật của chúng ta về quản lý đất đai chưa được đồng bộ, thống nhất, thậm chí có những quy định còn nhiều vướng mắc khiến công tác triển khai cũng còn nhiều bất cập, nó liên quan đến việc khiếu kiện. Thứ hai nữa là do đội ngũ thực thi công tác quản lý đất đai này, do đội ngũ thực thi nhiều khi cũng chưa làm hết chức trách, thậm chí có những nơi còn buông lỏng quản lý, dẫn đến tình trạng khiếu kiện xảy ra rất là nhiều", bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho biết.
"Phải rà soát một bước các luật hiện hành, trong đó có Luật Đất đai, Luật Nông nghiệp, các luật liên quan để làm sao có thể kịp thời đề xuất Chính phủ và có những cái nội dung liên quan thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ phải đề xuất Quốc hội sớm điều chỉnh, bổ sung bằng những cái thể chế một cách phù hợp để kìm hãm, giảm thiểu điều đáng tiếc xảy ra từ những cái điểm nóng như Phú Quốc hiện nay", bà Nguyễn Thị Sửu, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề xuất.
''Chúng ta khoanh vùng những việc nào mà chúng ta thấy rằng bây giờ có ban hành những quy định luật mới không xử lý được thì chúng ta gom lại để chúng ta có phương án xử lý dứt điểm những trường hợp người dân khiếu nại kéo dài. Đồng thời những trường hợp nào đã rõ, không thể nào có cách xử lý tốt hơn được thì cũng phải thể hiện quan điểm rõ ràng cho người dân để tránh việc người dân cứ đeo đuổi theo những vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài", bà Lý Thị Tiết Hạnh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nhận định.
Tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận để tỉnh xây dựng, ban hành hệ số điều chỉnh giá đất theo hàng năm, phù hợp với tình hình thực tiễn của riêng của TP Phú Quốc, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường để áp dụng xác định giá đất cụ thể, qua đó mới có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải quyết tình trạng bỏ không đất đai dẫn đến tranh chấp khiếu kiện. Quan trọng nhất là ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ phải giám sát và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.
Theo https://vtv.vn/
Comments