Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau 5 năm thực hiện sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh, đến nay, 43/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tiến hành đo đạc, cắm mốc ranh giới sử dụng đất đo đạc lập bản đồ địa chính. Tuy vậy, trên thực tế, công tác quản lý đất đai vẫn còn bất cập, hạn chế cần phải được giải quyết.
Theo báo cáo của Bộ TN&MT, diện tích đất rừng ở Tây Nguyên có xu thế giảm rất nhanh, một phần do chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất sang mục đích phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); nhưng phần lớn là do công tác quản lý lỏng lẻo, để xảy tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, khai thác gỗ trái phép. Điển hình như, trong 2 năm 2017, 2018, khu vực Tây Nguyên đã xảy ra hơn 1.800 vụ phá rừng trái phép, trong đó có 1.200 vụ phá rừng chiếm đất làm nương rẫy, gây thiệt hại hơn 700ha rừng các loại.
Thực trạng tranh chấp đất nông, lâm nghiệp không phải là cá biệt. Một số nông, lâm trường ở các tỉnh Tây Bắc, trong thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp và đất sản xuất nông nghiệp đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có biểu hiện vi phạm pháp luật như giao khoán cho những người không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp.
Tại một số địa phương, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật về đất đai có nguồn gốc nông trường, lâm trường, đặc biệt là ở vùng DTTS chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc còn kéo dài, chưa có biện pháp xử lý. Trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai có nguồn gốc từ các nông trường, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; chưa phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất…
Theo TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Trưởng khoa Luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, nguyên nhân là do một số đồng bào trong vùng DTTS và miền núi chưa quan tâm đến thâm canh và bảo vệ đất đai, không có diện tích đất sử dụng cố định và thiếu hiểu biết về pháp luật liên quan đến quyền lợi của mình. Thế nên, tập quán quản lý và sử dụng đất theo cộng đồng có khi mâu thuẫn với quy định quản lý Nhà nước về quyền sử dụng đất theo hộ gia đình. Bên cạnh đó, các đặc điểm cư trú, canh tác dẫn đến sản xuất không hiệu quả, nguy cơ mất đất và đói nghèo cao. Đặc biệt, đồng bào cũng thường sống ở vùng nhạy cảm với thiên tai.
Để có thể giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở của đồng bào DTTS, bà Trương Thị Hạnh, Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên đề xuất, cần có chính sách quyết liệt nhằm hạn chế nạn di cư tự phát. Theo đó, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ nguồn lực để ổn định đời sống, phát triển KT-XH các tỉnh miền núi phía Bắc; tiếp tục phê duyệt chương trình bố trí, ổn định dân cư các vùng thiên tai, biên giới… để hạn chế, chấm dứt di cư tự phát.
Ngoài ra, công tác bám sát, quản lý chặt chẽ địa bàn, quản lý dân cư, quản lý rừng tại các thị trấn, các xã phải được tăng cường hơn nữa; không để xảy ra mua bán đất đai trái pháp luật. Đặc biệt, phải chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường nói riêng; pháp luật về đất đai nói chung cho người dân sinh sống tại khu vực đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường.
Comments