top of page

Quản lý hiệu quả, sử dụng tiết kiệm và bền vững nguồn lực đất đai

Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.


Chiều 14/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).


Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo đó, trong sáng 14/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với 459/471 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,17% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật gồm 8 chương, 118 điều, quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Quốc hội cũng đã thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) với 472/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78%). Luật Dầu khí gồm 11 chương, 69 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu cho ý kiến về vấn đề thu hồi đất, bởi gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai và thu hồi đất. Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và mọi người dân. Báo cáo thường niên của Chính phủ cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại, tố cáo. "Người dân có thể chấp nhận hy sinh quyền lợi hoặc chịu thiệt quyền lợi nếu việc thu hồi đất đó cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc phát triển kinh tế cho lợi ích của cộng đồng, lợi của Nhà nước, nhưng sẽ không chấp nhận việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt, hay tạo kẽ hở trục lợi, lợi ích nhóm" - đại biểu cho ý kiến.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Nhật Minh phát biểu ý kiến.

Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) quan tâm tới các trường hợp nhà nước thu hồi đất; cho rằng, đây là một trong lĩnh vực có nhiều khiếu nại, do các quy định liên quan đến lĩnh vực này còn bất cập, chưa giải quyết được mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất. Đại biểu chỉ rõ, Điều 86 của dự án Luật có quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. So với Luật hiện hành, quy định có phạm vi mở rộng hơn, nhưng chưa rõ ràng về mục đích, chưa nổi bật tiêu chí trường hợp thật cần thiết phải thu hồi. Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm về nội dung này. Đại biểu đề nghị cần làm rõ các điều kiện, tiêu chí cụ thể của các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng so với các dự án vì lợi ích kinh tế thuần túy, làm rõ phương án bồi thường đất thỏa đáng để đảm bảo việc thu hồi đất, đặc biệt là ở khu đô thị, khu dân cư diễn ra minh bạch, công bằng. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), sửa đổi Luật phải tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, khi sửa đổi Luật Đất đai, phải rà soát sự chồng chéo với các luật khác, tránh trường hợp khi sửa đổi Luật Đất đai vẫn phải sửa đổi nhiều luật, hoặc Luật Đất đai được thông qua nhưng các luật khác lại gặp nhiều cản trở trong việc thực thi.


Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Đoàn Thị Hảo phát biểu ý kiến.

Tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), chiều 14/11, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) cho rằng, dự án Luật chưa làm rõ cơ chế để có thể phát huy được nguồn lực của tổ chức phát triển quỹ đất. Thực tiễn thời gian qua, mô hình Trung tâm phát triển quỹ đất chưa phát huy được vai trò trong việc tạo quỹ đất; hoạt động còn mang tính cục bộ; các cơ chế tài chính cho hoạt động còn vướng nhiều thủ tục về cấp vốn, hoàn vốn, hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, chi phí tổ chức đấu giá, đấu thầu; thiếu sự hỗ trợ, tham gia của hệ thống ngân hàng trong việc bố trí nguồn tiền cho tổ chức phát triển quỹ đất… Đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị tạo hành lang pháp lý đủ mạnh, đặc biệt, có cơ chế huy động, hỗ trợ nguồn vốn, như: trình tự, thủ tục về tài chính thuận lợi để các trung tâm phát triển quỹ đất hoạt động hiệu quả; đồng thời, nên ban hành quy định phương thức thực hiện dự án phát triển quỹ đất. Liên quan đến việc xác định giá đất, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nêu, việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết và cần công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trong trường hợp thu hồi đất, “phương pháp định giá đất dù theo cách nào cũng phải đồng bộ”. Dự án Luật phải nêu rõ quy định cơ quan nào có quyền giải quyết tranh chấp khi có phát sinh mâu thuẫn về giá đất giữa các bên. Theo đại biểu, dự án Luật đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp định giá đất, trách nhiệm của cơ quan định giá đất, thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ, chuyển trọng tâm từ phương thức quản lý nặng về hành chính, xác thực sử dụng các công cụ kinh tế để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai. Bỏ khung giá đất để đưa đất đai về giá trị thực. Xây dựng bảng giá đất, định giá đất sát với giá thị trường để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nguồn lực đất đai; giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn. Cho rằng một số quy định về giá đất "chưa thật sự cụ thể", đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ lưỡng dự án Luật để thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ chủ trương của Đảng; trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra. Nếu bỏ khung giá đất, người sử dụng đất phải trả thêm tiền thuế phí, làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn, do đó, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị: “Cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế”.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ Nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai, đưa nguồn lực này để vào phát triển cho kinh tế - xã

hội, giải quyết hài hòa các mối quan hệ. "Nếu xác định được vấn đề định giá đất sẽ thực hiện được rất nhiều công việc cụ thể để ổn định thị trường, xác định trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất. Các thông tin đều được số hóa đất đai, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ tránh tình trạng lãng phí, đầu cơ và thổi giá", ông Trần Hồng Hà nêu rõ. Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, dự án Luật đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá. Về vấn đề đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá có 2 hình thức; tuy nhiên, quan trọng nhất là thực hiện hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Cũng trong chiều 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với 465/474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội). Luật gồm 6 chương, 56 điều; quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.


Comments


bottom of page