Bước 1: Tìm hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà các bên hướng tới, trọng tâm là lợi ích cốt lõi
Khi có mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở, tuỳ thuộc đối tượng, tính chất vụ việc, quan hệ gia đình, xã hội… của các bên tranh chấp mà tổ trưởng tổ hòa giải nghiên cứu, lựa chọn, cử hòa giải viên tham gia hòa giải cho phù hợp.
Việc hòa giải có thể do một hoặc một số hòa giải viên tiến hành. Tổ hòa giải có thể tự quyết định số hòa giải viên tham gia hòa giải đối với từng vụ, việc cụ thể. Ví dụ, hoà giải tranh chấp về hôn nhân gia đình nên cử hoà giải viên là nữ giới tác động với bên vợ và cử hoà giải viên nam giới tác động với bên chồng sẽ mang lại kết quả cao hơn.
Đối với những việc tranh chấp tương đối phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên tương đối gay gắt, sự có mặt của một số hoà giải viên sẽ tác động nhiều hơn đến tâm lý của các bên tranh chấp, hoặc mỗi hoà giải viên sẽ đứng ra giải thích, thuyết phục, cảm hoá từng bên.
Hòa giải viên được phân công hòa giải cần chủ động, tích cực tìm hiểu về nội dung vụ việc, thu thập thông tin, chứng cứ, nắm bắt hoàn cảnh, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, tác động của mâu thuẫn, tranh chấp đối với các bên thông qua các biện pháp sau đây:
- Gặp gỡ, trao đổi riêng với từng bên tranh chấp (thường ở nhà riêng của từng bên) và phải bảo đảm gặp gỡ, trao đổi được với tất cả các bên tranh chấp; cần có cách nhìn khách quan, tránh phiến diện, thiên lệch trong quá trình hòa giải vụ, việc.
- Gặp gỡ, trao đổi với những người khác có liên quan nhằm mục đích hiểu rõ hơn về vụ việc; lợi ích, mong muốn của các bên, lợi ích cốt lõi để xem lợi ích nào có thể chấp nhận được.
LƯU Ý
Trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố đó phối hợp thực hiện việc hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện để có kết quả tốt.
- Trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với các bên tranh chấp và những người có liên quan, hòa giải viên cần phải đề nghị được cung cấp các tài liệu, bằng chứng liên quan đến vụ việc và xem xét cụ thể, tỉ mỉ các tài liệu, bằng chứng đó.
- Trong trường hợp các bên đang xung đột gay gắt, căng thẳng, hòa giải viên cần can thiệp kịp thời, khuyên giải các bên bình tĩnh, cùng đối thoại, không để “việc bé xé ra to”, tránh kéo dài tình trạng cãi cọ qua lại, bàn tán, xúi giục, kích động, dẫn đến hành vi bạo lực.
Khi thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng, hòa giải viên thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa hoặc báo trực tiếp công an, chính quyền xã để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Bước 2- Tìm hiểu các quy định pháp luật vận dụng trong quá trình hòa giải và khả năng đáp ứng lợi ích của mỗi bên, nhất là các lợi ích cốt lõi
Với các thông tin mà hòa giải viên đã thu thập được, hòa giải viên đọc tài liệu pháp luật liên quan, thảo luận với nhau để tìm ra các điều khoản thích hợp áp dụng cho vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn. Đối chiếu quy định pháp luật với lợi ích, mong muốn của các bên để dự kiến giải pháp tốt nhất có thể gợi ý cho các bên về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật.
Trường hợp cần thiết, hòa giải viên có thể tham khảo ý kiến của những người có trình độ pháp lý (công chức cấp xã, luật gia, luật sư…).
Đối với vụ việc có thể vận dụng quy định pháp luật một cách rõ ràng, thì căn cứ trên quy định của pháp luật, hòa giải viên phân tích, thuyết phục các bên.
Các bên tranh chấp có thể không cần gặp nhau trực tiếp, mà thống nhất với nhau phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải viên (hòa giải viên gợi ý giải pháp, hai bên nhất trí với giải pháp đó hoặc một bên tranh chấp đưa ra giải pháp, bên tranh chấp còn lại đồng ý khi hòa giải viên đề cập đến giải pháp này). Quá trình hòa giải lúc này là hoàn thành và hòa giải viên cần khẳng định lại thỏa thuận đạt được và việc thực hiện thỏa thuận.
Bước 3- Tiến hành hòa giải
a) Thành phần tham dự buổi hòa giải
Thành phần tham dự buổi hòa giải gồm có:
- Hòa giải viên;
- Các bên tranh chấp, mâu thuẫn; trong trường hợp cần thiết, hòa giải viên mời cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia buổi hòa giải để nhìn nhận vụ việc toàn diện, khách quan hơn, giúp cho việc hòa giải được thuận lợi. Việc gặp gỡ trong hoà giải phải tạo ra không khí thân mật, cởi mở và chân thành, không áp đặt ý chí của hoà giải viên đối với các bên tranh chấp;
- Để cuộc hòa giải đạt hiệu quả, hòa giải viên có thể mời người khác tham gia hòa giải, đó là những người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội. Ví dụ như:
+ Luật gia, luật sư (việc huy động những người này đặc biệt có hiệu quả đối với các địa bàn đô thị, tranh chấp xảy ra thường phức tạp, giá trị lớn, trình độ dân trí cao hơn khu vực nông thôn);
+ Già làng, trưởng bản (tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản là những người có uy tín cao, được kính trọng trong cộng đồng, tiếng nói của họ rất có giá trị, vì vậy sự tham gia của họ vào quá trình hòa giải là một yếu tố dẫn đến thành công),
+ Chức sắc tôn giáo (khi các bên hoặc một trong các bên tranh chấp là người theo đạo, thì việc tham gia hòa giải của chức sắc tôn giáo sẽ mang lại hiệu quả thiết thực),
+ Người biết rõ vụ việc;
+ Đại diện của cơ quan, tổ chức liên quan (ví dụ: hòa giải tranh chấp đất đai, có thể mời công chức địa chính, công chức tư pháp ở xã, phường, thị trấn; hòa giải vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở có thể mời công an xã…) hoặc
+ Người có uy tín khác (đội ngũ cán bộ, công chức đã nghỉ hưu);
- Trường hợp hòa giải viên, các bên tranh chấp, mâu thuẫn có sự bất đồng về ngôn ngữ thì cần có người phiên dịch.
Lưu ý
Những người không liên quan trực tiếp đến vụ tranh chấp không nên tham gia nhiều vào trong việc giải quyết tranh chấp, bởi một điều quan trọng là các bên tranh chấp cần được tạo cơ hội trình bày ý kiến và được lắng nghe đầy đủ ý kiến của mình.
b) Thời gian, địa điểm tổ chức buổi hòa giải
- Thời gian: Buổi hòa giải cần diễn ra trong khoảng thời gian phù hợp với đặc điểm sinh hoạt của các bên.
- Địa điểm: Địa điểm thực hiện buổi hòa giải cần bảo đảm thuận tiện cho các bên. Cách bố trí, sắp xếp không gian tổ chức buổi hòa giải cần phải tạo môi trường hài hòa (về chỗ ngồi, ánh sáng, nhiệt độ, tiếng ồn…), giúp cho các bên có cảm giác thoải mái, dễ chịu khi tham gia buổi hòa giải; không nên hình thức, phức tạp hoá trong khâu tổ chức thực hiện.
c) Quy trình của một cuộc hòa giải
- Hòa giải viên chủ trì buổi hòa giải nêu mục đích, ý nghĩa, thống nhất về một số quy ước, thỏa thuận về cách làm với các bên tranh chấp tại buổi hòa giải.
- Các bên trình bày nội dung vụ việc - Hòa giải viên tổng hợp lại các vấn đề đang tranh chấp; phổ biến, đối chiếu, phân tích các quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp điều chỉnh về vấn đề các bên đang tranh chấp, giúp các bên hiểu rõ, liên hệ đến quyền lợi, trách nhiệm trong vụ việc, thấy rõ những điểm phù hợp, chưa phù hợp trong hành vi ứng xử của mình; đưa ra các lựa chọn đáp ứng lợi ích của các bên (các phương án giải quyết để các bên tham khảo); phân tích lợi ích của việc hòa giải thành, hậu quả pháp lý mà các bên có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục tranh chấp và có những hành vi sai trái;
Những người được mời tham gia hòa giải có thể phân tích, bổ sung làm rõ ý kiến của hòa giải viên.
- Các bên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm của họ về vấn đề đang tranh chấp, mâu thuẫn; cùng bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với nhau về phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Trong quá trình các bên thảo luận, đối với những ý kiến đưa ra cách giải quyết bất hợp lý thì hòa giải viên kịp thời phân tích, thẳng thắn chỉ cho họ biết yêu cầu của họ đưa ra là không hợp lý để họ cân nhắc lại. Những nội dung thoả thuận mà trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội, thì hòa giải viên cần phải giải thích để họ thoả thuận lại.
- Sau khi các bên đã thỏa thuận, thống nhất được phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, thì hòa giải viên tổng kết lại những vấn đề các bên đã thỏa thuận để các bên suy nghĩ, cân nhắc, cùng nhau khẳng định lại những thỏa thuận đạt được. Hòa giải viên nhắc nhở, đôn đốc các bên về việc thực hiện thỏa thuận.
Trường hợp các bên chỉ thỏa thuận được một phần những vấn đề có tranh chấp, hòa giải viên tiếp tục thuyết phục các bên bàn bạc, thỏa thuận tiếp. Nếu các bên vẫn không thống nhất được thì hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật đối với những nội dung này. - Khi các bên đạt được thỏa thuận và thống nhất lập văn bản hòa giải thành, hòa giải viên có thể giúp các bên lập thành văn bản hòa giải thành.
Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản hòa giải không thành.
Bước 4: Thực hiện các công việc sau khi hòa giải
a) Đối với trường hợp hòa giải thành (các bên đạt được thỏa thuận)
- Trường hợp hòa giải thành thì hòa giải viên có trách nhiệm:
+ Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết;
+ Hướng dẫn các bên có thể làm đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (Quy định tại Chương XXXIII. Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015), cụ thể như sau:
Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án:
(1) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
(2) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
(3) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận. Đơn yêu cầu phải được gửi đến Tòa án trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành và phải có các nội dung chủ yếu sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
- Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
- Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
- Tên, địa chỉ của cá nhân, tổ chức đã tiến hành hòa giải;
- Nội dung, thỏa thuận hòa giải thành yêu cầu Tòa án công nhận.
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi văn bản về kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật có liên quan.
(4) Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Đồng thời, kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện.
- Trong trường hợp việc thực hiện thỏa thuận có khó khăn, thì hòa giải viên động viên, thuyết phục các bên thực hiện thoả thuận và có thể đề nghị Trưởng thôn, xóm, bản, ấp, tổ dân phố hoặc kiến nghị với Uỷ ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện để các bên tự nguyện thực hiện thoả thuận.
b) Đối với trường hợp hòa giải không thành (các bên không đạt được thỏa thuận)
- Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.
- Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Mẫu ghi Biên bản Hòa giải ở cơ sở
c) Ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở
Dù việc hoà giải thành hay không thành, hòa giải viên đều có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để phục vụ công tác lưu trữ, thống kê, thanh toán thù lao cho hòa giải viên, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Comentarios