top of page

Sự thận trọng cần thiết



Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, không phải ngẫu nhiên mà thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại là về lĩnh vực đất đai. Vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 31-10-2012 về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao... là rất quan trọng.


Tổng kết công tác thể chế hóa Nghị quyết số 19-NQ/TƯ cho thấy, đã có gần 140 luật, nghị định có nội dung liên quan đến đất đai được ban hành ở các thời điểm khác nhau để điều chỉnh nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết là cơ sở chính trị để Quốc hội ban hành Luật Đất đai 2013 (có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2014).


Tuy nhiên, sau gần 8 năm thực hiện Luật Đất đai 2013 cho thấy, bên cạnh mặt tích cực thì vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thi hành, chủ yếu liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Việc quản lý tài nguyên đất đai cũng bộc lộ nhiều kẽ hở, tạo cơ hội cho tham nhũng phát tác; làm méo mó thị trường bất động sản… Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng các dự án liên quan đến công tác thu hồi đất luôn là trở ngại chính khiến thời gian thực hiện kéo dài, dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là tình trạng khiếu nại, tố cáo tập thể và vượt cấp. Đây là những vấn đề đã được các cơ quan quản lý, giới nghiên cứu chính sách chỉ ra và đề nghị sớm sửa đổi.


Thực tế, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 đã được Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị nhiều năm qua. Tuy nhiên, để tránh tình trạng luật vừa ban hành đã lạc hậu nên việc Quốc hội chưa đưa vào chương trình xây dựng pháp luật tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc cuối tháng 5-2022 và Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) xem xét thảo luận việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai là sự thận trọng cần thiết.


Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta trong việc sửa đổi, bổ sung pháp luật liên quan đến đất đai là phải phù hợp với cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; phù hợp với đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Song song với đó là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện địa phương, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, tài sản đất đai…


Có thể thấy, đồng thời với sửa đổi Luật Đất đai 2013 thì việc chuẩn bị sửa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Qua đó tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân cũng như góp phần đưa hoạt động quản lý của Nhà nước đạt hiệu quả như mong muốn.


Comentarios


bottom of page