top of page

Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập: Gắn trách nhiệm và tránh chiếm dụng vốn?

Theo ý kiến của chuyên gia, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập chỉ là biện pháp kỹ thuật để xử lý tình huống với những dự án chậm tiến độ do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.


Tránh chiếm dụng vốn


Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư…


Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 7659/TTr-BKHĐT trình Chính phủ về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.


Theo Bộ này, việc xây dựng Đề án nhằm tạo cơ chế thí điểm không chỉ đối với việc tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, mà còn bao gồm một số cơ chế bảo đảm việc thực hiện dự án giải phóng mặt bằng được tách riêng, nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện dự án, giảm chi phí giải phóng mặt bằng có thể phát sinh, hạn chế việc điều chỉnh dự án. Đồng thời, tạo điều kiện đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư, cho phép đi trước một bước so với việc thực hiện xây dựng, lắp đặt … dự án tổng thể.


Dự án Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng đến QL1A dài khoảng 2km tại Hà Nội chậm tiến độ nhiều năm do vướng giải phóng mặt bằng.


Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành dự án độc lập, không tính vào thời gian thực hiện dự án, tạo thêm thời gian, giảm bớt áp lực về tiến độ thực hiện cho các khâu đấu thầu, xây lắp… qua đó gián tiếp nâng cao chất lượng công trình.


Đặc biệt, đề án cũng phân định, làm rõ trách nhiệm của từng cấp liên quan trong việc giải phóng mặt bằng của dự án, xác định đúng chủ thể liên quan trong việc áp dụng các chế tài xử lý, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của các ngành, các cấp.


Các Bộ, cơ quan, địa phương xác định rõ về khả năng thực hiện và giải ngân của dự án, có cơ sở đề xuất nhu cầu vốn chuẩn xác hơn, công tác chuẩn bị thực hiện dự án được chuẩn bị tốt hơn, tránh việc chiếm dụng vốn.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nội dung chính sách thí điểm chính của Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bao gồm 03 nội dung chính: Quy định chung; cho phép vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án của Bộ, cơ quan trung ương thực hiện trên địa bàn; cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia thực hiện giải phóng mặt bằng và hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP được vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án PPP trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 60%.


Cần đảm bảo lợi ích giá đất đền bù giải phóng mặt bằng


Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhìn nhận, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập chỉ là biện pháp kỹ thuật để xử lý tình huống với những dự án chậm tiến độ do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.


Bởi theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân khiến khiếu kiện về đất đai trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay là do những vướng mắc về công tác đền bù giải phóng mặt bằng tập trung ở những vấn đề như nguồn gốc đất của các tổ chức, hộ dân chưa rõ ràng; giá bồi thường khi nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường.


Dự án treo dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm đất nông nghiệp xây dựng trái phép trên địa bàn phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội.


Ngoài ra, vị luật sư này cũng cho rằng, các trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất vẫn còn tình trạng thiếu công khai, minh bạch và ở mức độ nào đó là sự tùy tiện của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu hồi, bồi thường thiệt hại. Cùng với đó, là những vướng mắc về chính phía người dân bị thu hồi đất khi được bồi thường thiệt hại.


Theo đó, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư thông qua đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, những vướng mắc trên cần phải được xử lý triệt để. Trong đó, quan trọng nhất là lựa chọn cơ chế và cách xác định giá bồi thường nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước - doanh nghiệp sử dụng đất - người dân.


Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Đất đai cũng cần được chú trọng tháo gỡ tận gốc vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) nên quy định tất cả các dự án phải thu hồi đất đều do cơ quan nhà nước ra quyết định thu hồi, quyết định phương án bồi thường tái định cư và đứng ra thu hồi, thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng theo một cơ chế thống nhất.


Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, để chặn xin - cho, đội vốn trong các dự án giải phóng mặt bằng, trước hết cần phải có biện pháp, chính sách nhất quán về quản lý giá chi phí, giá đền bù để không tạo ra bất bình đẳng.


Theo Hiến pháp, đất đai là công thổ quốc gia, nên nhà nước có thể thu hồi, tái định cư và chỉ đền bù tài sản trên đất. Do đó, nhà nước cần có điều tra cụ thể và xây dựng bảng biểu mức giá đền bù cụ thể, thống nhất để không có sự chênh lệch giữa các địa phương, gây khiếu kiện.


"Nhiều tuyến đường 30-40km nhưng chỉ vướng 100m mặt bằng là không thể thi công được, có thể dẫn đến chậm tiến độ hàng năm trời. Do đó, cần có một quy định chung về giá đền bù đất", ông Trần Chủng đề xuất.


Liên quan tới đề án tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, thực tế cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được triển khai có nhiều lý do, trong đó có một lý do khách quan tồn tại kéo dài nhiều năm là công tác giải phóng mặt bằng.


"Tôi tha thiết đề nghị Quốc hội và Chính phủ cho tách dự án giải phóng mặt bằng giao cho chính quyền địa phương làm chủ đầu tư đối với các dự án đi qua địa phương mình để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, gắn với cơ chế phân công và xác định trách nhiệm của người đứng đầu một cách rõ ràng, minh bạch, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm", ông Tạo vừa phát biểu như vậy trên nghị trường Quốc hội.


Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có 1.867 dự án đầu tư có sử dụng vốn ngân sách bị chậm tiến độ, chiếm 2,6% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ. Trong đó, có 1.074 dự án (chiếm gần 60% tổng số dự án chậm tiến độ) gặp vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng.

7 tháng đầu năm 2021, giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều bộ, địa phương tiếp tục chậm. Ngoài các nguyên nhân cộng hưởng như dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và giá cả vật liệu xây dựng, thì giải phóng mặt bằng vẫn được nêu ra là một trong những nguyên nhân cản trở nhiều nhất tới tiến độ thực hiện.


Comments


bottom of page