Hàng trăm hecta đất rừng bị người dân xâm lấn trong thời gian dài là thực trạng đang diễn ra tại xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Việc xác định chính xác những cá nhân xâm lấn và trồng rừng trên diện tích này để đưa ra quyết định thu hồi hiện gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, tổng diện tích đất rừng bị người dân xâm lấn là 380,2 hecta, thuộc tiểu khu 168 (diện tích khoanh nuôi rừng) và tiểu khu 165 (diện tích trồng rừng), đây là đất rừng do xã Dương Hòa quản lý.
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy kiểm tra diện tích đất rừng bị người dân xâm lấn tại tiểu khu 165, xã Dương Hòa. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN
Sự việc bắt đầu từ năm 2000, khi Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy triển khai chương trình trồng rừng và khoanh nuôi rừng tái sinh với tổng diện tích khoảng hơn 1.000 hecta từ nguồn vốn thuộc Dự án 661 của Chính phủ (Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng). Trong đó, bao gồm diện tích đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy và diện tích đất rừng do Ủy ban nhân dân xã Dương Hòa quản lý. Thời gian thực hiện dự án này là khoảng 10 năm, từ năm 2000-2010; thời gian xảy ra tình trạng lấn chiếm rừng liên tục kéo dài từ năm 2003-2013.
Chúng tôi đến tìm hiểu thực trạng đất rừng bị người dân xâm lấn tại tiểu khu 165, với tổng diện tích đất rừng bị xâm lấn tại đây theo thống kê là 181,3 hecta. Nếu nhìn bằng mắt thường trên thực địa sẽ rất khó để phân biệt chính xác đâu là vị trí đất rừng người dân đã xâm lấn bởi địa hình ở đây được bao phủ bởi màu xanh của những cánh rừng keo được trồng từ 2-3 năm tuổi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bản đồ thu hồi diện tích đất lấn chiếm do Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy cung cấp, có thể thấy được hàng chục vị trí xâm lấn loang lổ như “da báo”, trong đó có vị trí bị xâm lấn nhiều nhất lên tới 37,7 hecta.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy, đối với phần diện tích khoanh nuôi tái sinh nằm ở tiểu khu 168 được Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy trồng bổ sung các loại cây như: ươi, trám, trâm, sao đen, nhội. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh trước đây nằm ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện chăm sóc khó khăn nên sau nhiều năm không thành rừng, trong khi người dân địa phương bị thiếu đất sản xuất đã dẫn tới tình trạng xâm lấn 198,9 hecta.
Tại diện tích rừng trồng từ nguồn vốn của Dự án 661 nằm tiếp giáp, xen kẽ với đất được xã Dương Hòa giao đất sản xuất cho các hộ gia đình, trong bối cảnh khi đó một số hộ dân ven rừng thiếu đất sản xuất cục bộ, thường xuyên phát lấn chiếm những diện tích giáp ranh đất trồng rừng của dự án ở khu vực băng chừa, băng chặt, đai xanh, đường lô và ở những khu vực rừng trồng của dự án bị chết do mưa bão hoặc thiếu kinh phí chăm sóc.
Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy Trần Phúc Châu thừa nhận, để xảy ra tình trạng xâm lấn đất rừng của người dân trong một thời gian dài là do công tác quản lý rừng bị buông lỏng, sự phối hợp giữa đơn vị và UBND xã Dương Hòa không chặt chẽ, rạch ròi về trách nhiệm quản lý đất lâm nghiệp và tài sản trên đất. Sau khi kết thúc chương trình trồng rừng và khoanh nuôi rừng tái sinh từ nguồn vốn thuộc Dự án 661 của Chính phủ, Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy có bàn giao lại một số diện tích đất do xã Dương Hòa quản lý. Những diện tích người dân xâm lấn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo thống kê ban đầu, có khoảng 100 hộ dân lấn chiếm với tổng diện tích 380,2 hecta đất rừng.
Cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy kiểm tra diện tích đất rừng bị người dân xâm lấn tại tiểu khu 165, xã Dương Hòa. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN
Sau khi có Chỉ thị 65/2015/CT-UBND của tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý rừng và đất lâm nghiệp, từ năm 2018 đến nay, vấn đề lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã Dương Hòa mới được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực vào cuộc tháo gỡ, tìm hướng giải quyết.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Dương Hòa Lê Văn Thức cho hay, thời gian qua thông qua công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, UBND xã đã xác định ban đầu được 30 hộ dân có diện tích lấn chiếm và đã lập biên bản theo quy định. Xã đang tiếp tục gửi thông báo đến người dân trong xã và ở các xã lân cận để tìm những chủ hộ lấn chiếm còn lại. Đây là vấn đề do lịch sử để lại. Trước đây có nhiều hộ dân không có đất sản xuất đã vào rừng lấn chiếm nên sau khi thu hồi lại toàn bộ diện tích trên, xét từng trường hợp cụ thể xã sẽ kiến nghị với cấp trên để cấp diện tích hợp lý đất rừng sản xuất cho người dân.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là sự hợp tác, tự giác của những hộ dân có diện tích đất lấn chiếm. Theo các cơ quan chức năng, phương án cuối cùng là đợi một vài năm tới khi người dân tiến hành thu hoạch cây keo mới xác định được đích danh những chủ hộ lấn chiếm để có hướng xử lý thu hồi. Qua vụ việc này cũng cho thấy bài học về công tác quản lý đất rừng cũng như triển khai các dự án trồng rừng còn nhiều bất cập.
Theo TTXVN
Comentarios