Đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh nằm ở địa bàn trọng điểm và xung yếu có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Đất đai nông, lâm trường chủ yếu nằm ở các tỉnh địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hầu hết các tỉnh địa bàn này gặp khó khăn về ngân sách, hàng năm Trung ương phải hỗ trợ, thời gian qua, mặc dù việc giải quyết đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã nhiều lần được Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo nhưng việc thực hiện rất khó khăn và chưa hoàn thành mục tiêu đề ra.
I. HIỆN TRẠNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT CÓ NGUỒN GỐC NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG
1. Diện tích đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường
Tính đến năm 2018, tổng diện tích đất các nông, lâm trường; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường là 9.154.845 ha. Có 745 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn, bao gồm Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên, Ban quản lý rừng, các tổ chức sự nghiệp khác, các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại hình tổ chức khác đang quản lý, sử dụng 8.130.668 ha tại 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương , trong đó:
- 116 đơn vị quản lý đất rừng đặc dụng; tổng diện tích là 2.318.258, tại 44 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- 228 Ban quản lý rừng phòng hộ và đơn vị sự nghiệp khác; tổng diện tích là 3.538.532 ha, tại 18 tỉnh, thành phố.
- 401 công ty, chi nhánh công ty nông, lâm nghiệp, Trung tâm, Tổng đội TNXP (250 công ty nông nghiệp, 151 công ty lâm nghiệp), đang quản lý, sử dụng 2.273.878 ha tại 45 tỉnh, thành phố (chưa bao gồm 32 công ty tại 16 tỉnh có phương án giải thể, bàn giao đất về địa phương theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP).
- Có khoảng 1.024.178 ha đất có nguồn gốc nông, lâm trường do các tổ chức trên đã bàn giao một phần hoặc toàn bộ (giải thể) diện tích về địa phương trong quá trình rà soát, sắp xếp, đổi mới từ năm 2004 đến nay đang do UBND xã, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng.
2. Quản lý, sử dụng đất
2.1. Theo mục đích sử dụng đất
Đất nông nghiệp: 8.852.465 ha, chiếm 96,6 % tổng diện tích (đất rừng sản xuất 2.649.817 ha, đất rừng đặc dụng 2.293.407 ha, đất rừng phòng hộ 3.274.594 ha, đất sản xuất nông nghiệp và đất nông nghiệp khác 1.041.155 ha).
Đất phi nông nghiệp là 230.268 ha, chiếm 2,4 % tổng diện tích (đất ở 9.293 ha; đất công trình sự nghiệp, SXKD PNN 27.812 ha; đất có mục đích công cộng 3.054 ha, đất sông, suối, kênh, rạch 5.182 ha, đất có mặt nước chuyên dùng 5.100 ha, đất phi nông nghiệp còn lại 136.710 ha).
Đất chưa sử dụng là 91.656 ha, chiếm 1,0 % tổng diện tích.
2.2. Về tình hình sử dụng
- Diện tích đất đã giao, cho thuê là 8.303.630 ha, chiếm 90,7 % tổng diện tích (trong đó diện tích giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư là 813.284 ha, bằng 8,9 % tổng diện tích).
- Diện tích đang bị lấn, chiếm, tranh chấp là 198.472 ha, bằng 2,2 % tổng diện tích.
- Hầu hết diện tích đất đã được các địa phương rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng chung với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều diện tích chưa được rà soát chi tiết để điều chỉnh vào quy hoạch chung của địa phương hay lập phương án sử dụng đất để quản lý, nhất là phần diện tích đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương qua các thời kỳ.
3. Hồ sơ, tài liệu quản lý đất đai
Diện tích đã thiết lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất là 2.674.168 ha, bằng 29,1 % tổng diện tích. Diện tích đã có bản đồ địa chính chi tiết là 4.863.709 ha, bằng 52,9 % tổng diện tích.
Đến nay, đã có 46,3% diện tích các công ty nông nghiệp, 78% diện tích các công ty lâm nghiệp và 70% diện tích ban quản lý rừng, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
II. KẾT QUẢ RÀ SOÁT, QUẢN LÝ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC TỪ CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG
1. Ban hành văn bản chỉ đạo
Kể từ khi thực hiện chủ trương rà soát, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 16 tháng 6 năm 2004 của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản để tổ chức triển khai, cụ thể:
- Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định hướng dẫn thi hành luật, chính sách tài chính đất đai, sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, giao khoán đất nông, lâm nghiệp, bảo vệ, phát triển rừng bao gồm:
(1) Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh;
(2) Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh;
(3) Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh;
(4) Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;
(5) Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp nhà nước.
- Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định, 01 Chỉ thị và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng.
- Các Bộ, ngành Trung ương ban hành 12 Thông tư và nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng đất đai và sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh.
- Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh được thành lập ở Trung ương (gồm 10 Bộ, ngành và ở cấp tỉnh, thành phố do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, thành viên là các sở ngành). Các Ban chỉ đạo đã tiến hành tập huấn, tuyên truyền chính sách, pháp luật và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai cho cán bộ các cấp, lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ các nông, lâm trường và người lao động.
2. Kết quả rà soát theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP
- Tổng số địa phương có đất nông trường, lâm trường thuộc diện phải rà soát thực hiện là 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố là Hải Phòng và tỉnh Phú Yên mỗi địa phương có 01 công ty nhưng đã giải thể theo phương án, do đó còn 45 tỉnh, thành phố còn công ty nông, lâm nghiệp phải rà soát, sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
- Tổng số tập đoàn, tổng công ty, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp sở hữu 100% vốn nhà nước thuộc diện phải sắp xếp, đổi mới trên cả nước là 252 công ty (trong đó: có 120 công ty nông nghiệp, 132 công ty lâm nghiệp; có 88 công ty do Bộ, ngành Trung ương quản lý, 164 công ty do địa phương quản lý).
Tổng diện tích đất giữ lại sau rà soát, sắp xếp của các công ty nông, lâm nghiệp là 2.018.879 ha, trong đó: các công ty nông nghiệp (chủ yếu có nguồn gốc từ nông trường) giữ lại là 497.204 ha; các công ty lâm nghiệp (chủ yếu có nguồn gốc từ lâm trường) giữ lại là 1.521.675 ha. Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, như sau:
* Về rà soát ranh giới, cắm mốc: đã rà soát được 34.975 km/40.791 km (đạt 85,7% khối lượng nhu cầu); cắm được 63.079 mốc/74.999 mốc (đạt 84,1% khối lượng nhu cầu). Có 34/45 tỉnh thành phố đã cơ bản hoàn thành .
* Về đo đạc lập bản đồ địa chính: đã đo đạc, lập bản đồ địa chính 1.335.637 ha/1.404.870 ha (đạt 95,1% khối lượng khối lượng nhu cầu). Có 38/45 tỉnh thành phố đã cơ bản hoàn thành đo đạc bản đồ địa chính .
* Về cấp Giấy chứng nhận: Trước khi thực hiện Nghị định 118, hầu hết các công ty nông, lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận (đã có 46,3% diện tích các công ty nông nghiệp, 78% diện tích các công ty lâm nghiệp và 70% diện tích ban quản lý rừng, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được cấp Giấy chứng nhận). Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định 118, các địa phương đã thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận được 1.672 hồ sơ/9.862 hồ sơ (đạt 17% khối lượng nhu cầu), đến năm 2018, có 12/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, cho thuê đất .
* Về phê duyệt phương án sử dụng đất: Đến 2018 có 13/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất cho các công ty theo số liệu sau rà soát .
III. ĐÁNH GIÁ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC TỪ CÁC NÔNG, LÂM TRƯỜNG
1. Kết quả đạt được
Các kết quả đạt được trên đây đã có tác động rất lớn đến tình hình an ninh - xã hội và phát triển kinh tế của khu vực có đất đai từ các nông, lâm trường quốc doanh, nơi có vị trí địa chính trị trọng điểm và sức lan tỏa tới các vùng lân cận và cả nước, cũng như từng bước hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai, hòa nhập vào Chính phủ điện tử; làm cơ sở để xử lý các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông, lâm nghiệp, cụ thể:
- Xác định cụ thể đối tượng sử dụng đất: để làm rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ sự nghiệp công ích; phân định rõ ràng giữa đối tượng được Nhà nước giao đất để quản lý như Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên; Ban quản lý rừng (đặc dụng, phòng hộ) với các đối tượng được Nhà nước cho thuê đất là các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp;
- Đã cơ bản hoàn thành việc rà soát hồ sơ đất đất đai, xác định nguồn gốc sử dụng đất, tình trạng phân định ranh giới thực tế của các đối tượng đang sử dụng; xác định cụ thể phần diện tích các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng và phần diện tích phải bàn giao cho địa phương; bước đầu thiết lập được hệ thống hồ sơ quản lý đất đai.
- Đã rà soát, bóc tách được khối lượng lớn diện tích đất bên trong tổ chức; làm rõ được về vị trí, ranh giới, diện tích từng loại đất và từng hình thức quản lý, sử dụng đất (Giao đất, cho thuê đất; sử dụng đúng mục đích, không đúng mục đích, không sử dụng; giao khoán, cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư; bị lấn, bị chiếm, đang có tranh chấp), đây là tiền đề quan trọng để làm cơ sở xử lý các tồn tại, vướng mắc, vi phạm pháp luật về đất đai.
- Đã hạn chế việc sử dụng quỹ đất của Nhà nước mà các nông trường, lâm trường đang quản lý để giao khoán lại cho hộ gia đình cá nhân; liên doanh, liên kết; cho thuê, mượn; đất bị tranh chấp, lấn chiếm có xu hướng giảm; nguồn lực đất đai đã một phần phát huy được hiệu quả, đất đai được giao cho đúng đối tượng có nhu cầu thực sự, diện tích đất bàn giao về địa phương đã được ưu tiên giao cho các hộ dân thiếu đất sản xuất, hộ thuộc diện giãn dân, tách hộ, cho doanh nghiệp thuê đất, góp phần vào việc định canh, định cư, phát triển kinh tế và ổn định tình hình chính trị - xã hội của địa phương.
- Các nông, lâm trường hoạt động theo Luật Doanh nghiệp đã được sắp xếp, chuyển đổi để phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích. Trên cơ sở đó đã tiến hành rà soát hiện trạng và lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sử dụng rừng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
- Các nông, lâm trường đã xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, phương án sử dụng đất; xác định rõ diện tích đất đai cần giữ lại để chuyển sang hình thức thuê đất; chuyển giao một phần diện tích đất về cho địa phương quản lý, nhờ đó đã góp phần tăng cường quản lý, sử dụng đất đai, giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân ở địa phương, giảm dần tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất tại các nông, lâm trường.
- Việc chuyển đổi nông, lâm trường quốc doanh thành công ty trách nhiệm hữu hạn nông, lâm nghiệp và công ty cổ phần hoặc chuyển đổi thành Ban quản lý rừng hoạt động theo đơn vị công ích, bước đầu đã tạo điều kiện cho các công ty đổi mới quản trị doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh. Một số công ty đã tổ chức lại sản xuất theo mô hình kinh doanh tổng hợp, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và thị trường.
- Đã hoàn thành một bước về lập hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; giao đất, cho thuê đất đồng bộ, thống nhất với ranh giới đất trên thực địa; xử lý được về cơ bản các phần khó khăn, vướng mắc do lịch sử để lại bên trong các tổ chức từ trước đến nay, tạo tiền đề vững chắc để các công ty chủ động rà soát, sắp xếp tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Đã xác định được địa chỉ có thể tạo ra quỹ đất có quy mô diện tích lớn phục vụ mục tiêu giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; giao đất hoặc cho thuê đất đối với người có nhu cầu chính đáng đang nhận giao khoán trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
(1) Nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả, tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.
- Hồ sơ quản lý đất đai trước đây được lập còn quá sơ sài, chủ yếu là sử dụng hồ sơ dạng giấy, tài liệu đo đạc lạc hậu, biến động đất đai không cập nhật đầy đủ nhất là trong giai đoạn vừa qua việc chuyển nhượng đã diễn ra khá phổ biến; không kiểm soát được việc lấn, chiếm đất đai, tranh chấp xảy ra khá phổ biến nhưng cơ sở hồ sơ để làm căn cứ giải quyết không đảm bảo.
- Tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra khá phổ biến, hiệu quả sử dụng đất không cao, gây lãng phí nguồn tài nguyên. Nhiều nơi đã phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để tạo quỹ đất cho trồng rừng sản xuất, nhiều diện tích rừng bị chặt phá làm cho đất rừng nghèo kiệt; đất rừng ngày càng bị thu hẹp, bị lấn chiếm.
(2) Quá trình xây dựng cơ chế chính sách chưa đánh giá hết được tính phức tạp khi cổ phần hóa, địa bàn thực hiện, đối tượng, loại hình, chưa nghiên cứu các tác động tổng thể; chưa tính đến đặc thù về các vấn đề đất đai, đối tượng sử dụng đất là đồng bào dân tộc, tình trạng di dân tự do kéo dài.
- Pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng còn thiếu tính thống nhất từ công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, đến quy định về giao đất, giao rừng,..; một số quy định còn hợp thức cho việc lấn chiếm đất rừng dẫn đến Nhà nước phải chi trả tiền bồi thường rất lớn khi thực hiện thu hồi, sắp xếp đối với đất của các nông, lâm trường.
- Chính sách hỗ trợ cho người được giao bảo vệ rừng không tương xứng với thu nhập từ sản xuất nông nghiệp làm cho người được giao buông lỏng trách nhiệm bảo vệ rừng.
- Chính sách không thu thuế sử dụng đối với đất nông, lâm nghiệp đã tạo ra sự bất bình đẳng, một số nông, lâm trường cố tình giữ lại đất để cho thuê, khoán mặc dù nguồn lực lao động hiện hữu rất hạn chế mà không bàn giao về địa phương.
(3) Công tác quản lý đất đai của các nông, lâm trường còn hạn chế, việc rà soát, sắp xếp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Quy mô quản lý của các nông trường, lâm trường quá lớn, nguồn lực quản lý lại quá mỏng và công cụ để quản lý lại thô sơ. Lịch sử hình thành các nông lâm trường trải qua nhiều giai đoạn với nhiều chính sách quản lý khác nhau, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, nhiều hộ dân đã sử dụng đất trước khi thành lập nông trường, lâm trường. Mặt khác, đây là địa bàn có địa hình khó khăn, phức tạp; tập trung nhiều đồng bào dân tộc ít người, tình trạng di dân tự do kéo dài và phân tán ra nhiều khu vực; nhận thức pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai nói riêng còn hạn chế.
- Công tác giao đất trước đây được thực hiện một cách đơn giản, chủ yếu trên giấy tờ, dùng bản đồ địa hình không đúng trên thực địa; nhiều khu vực trước đây là đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, khu dân cư... đã bị khoanh vào đất nông trường, lâm trường quốc doanh hoặc địa phương đã thực hiện việc giao khoán đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp gắn với nhà ở theo phương án giao khoán trước đây dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai giữa các công ty nông, lâm nghiệp với người dân tại chỗ và người dân di cư tự do diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
- Nhiều hộ dân nhận khoán đất của nông, lâm trường hoặc địa phương đã tự ý chuyển nhượng qua nhiều lần, một số đã đầu tư tạo lập tài sản trên đất (máy móc, vườn cây, nhà xưởng,...); do đó việc giải quyết vấn đề đất đai và tài sản gắn liền với đất khi sắp xếp, thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nếu thực hiện thu hồi đất phải bồi thường chi phí rất lớn.
- Một số nông, lâm trường viên trước đây (phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số) góp đất vào nông, lâm trường tạo ra quỹ đất tập trung với quy mô lớn; nay thực hiện việc cổ phần hóa nhiều trường hợp đòi lại đất dẫn đến tình trạng tranh chấp đất đai đòi hỏi phải có các biện pháp để giải quyết.
- Việc xác định giá đất, giá trị cổ phần để thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nông, lâm nghiệp còn nhiều vướng mắc. Các Ban Quản lý rừng quản lý quỹ đất rừng lớn nhưng lại cho thuê, khoán; không quản lý hoặc quản lý yếu kém để lấn chiếm, tự ý phá rừng chuyển sang làm nương rẫy.
- Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về đất đai đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để; đặc biệt là vai trò chủ động của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất chưa phát huy tốt; tình trạng đất được Nhà nước giao, cho thuê nhưng sử dụng không đúng mục đích hoặc chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa giải quyết kịp thời.
(4) Tình trạng sử dụng đất không đúng đối tượng, không đúng mục đích vẫn còn xảy ra khá phổ biến, hiệu quả sử dụng đất không cao, gây lãng phí nguồn tài nguyên.
- Công tác rà soát chức năng nhiệm vụ của tổ chức quản lý, sử dụng đất thực hiện chưa triệt để giữa đơn vị sự nghiệp công ích với đơn vị kinh doanh, như các đơn vị sự nghiệp công ích (Vườn quốc gia, Ban Quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên…) quản lý, sử dụng đất rừng sản xuất, đất sản xuất nông nghiệp, một số loại đất phi nông nghiệp; các đơn vị sản xuất kinh doanh quản lý sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…đã tạo ra sự đan chéo, xen kẽ khó kiểm soát.
- Chưa thực hiện xong việc xác định nghĩa vụ tài chính của các tổ chức sử dụng đất, có nhiều công ty nông nghiệp, lâm nghiệp đã cổ phần hóa hoặc đã chuyển thành mô hình hai thành viên, ba thành viên nhưng vẫn chưa thực hiện chuyển đổi hình thức từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất; vẫn sử dụng nhiều diện tích đất Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
- Công tác giao đất trước đây chủ yếu trên giấy tờ, không đúng trên thực địa; nhiều khu vực có bao gồm nhà ở trước đây bị khoanh vào đất nông trường, lâm trường quốc doanh hoặc địa phương đã thực hiện việc giao khoán đất rừng, đất sản xuất nông nghiệp gắn với nhà ở theo phương án giao khoán trước đây (theo chủ trương người nông dân vào rừng để bảo vệ rừng).
(5) Chưa quản lý và đưa vào khai thác có hiệu quả diện tích nông trường, lâm trường bàn giao lại cho địa phương.
- Phần diện tích đất nông trường, lâm trường bàn giao về địa phương thường là sông suối, núi đá hoặc đất đai ở vùng sâu, vùng xa, nơi khó quản lý; một số nơi khi bàn giao diện tích đất đã có tài sản trên đất thì chính quyền địa phương (huyện, xã) và người dân không có kinh phí để thanh toán bồi thường lại giá trị tài sản trên đất cho người sử dụng trước hoặc doanh nghiệp đã đầu tư.
- Một số diện tích là rừng phòng hộ nằm đan xen hoặc trên đỉnh núi là rừng phòng hộ, chân núi lại là rừng sản xuất nên không bóc tách chi tiết được trên thực địa để bàn giao lại cho địa phương, tạo sự không rõ ràng về trách nhiệm quản lý giữa địa phương và nông, lâm trường.
- Một số địa phương không có kinh phí xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho các đối tượng (trong đó có nguyên nhân không được hỗ trợ kinh phí để bảo vệ diện tích rừng) nên đất bị bỏ hoang hoá, rừng bị chặt phá, người dân lấn chiếm, xâm canh.
- Nhiều diện tích đất bàn giao về địa phương trước đây nông trường, lâm trường đã giao khoán, cho thuê, cho mượn; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; bị lấn chiếm, đang có tranh chấp... nên rất khó khăn khi xác định đối tượng, diện tích để giao, cho thuê; nhiều trường hợp đã mua bán, chuyển nhượng phi chính thức. Việc thu hồi đất của các nông, lâm trường và phân bổ lại cho các đối tượng sử dụng đất tại chỗ còn bộc lộ nhiều lúng túng, không có phương án chung...
(6) Cơ cấu tổ chức, biên chế để thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai quá bất cập và không phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
- Quy mô diện tích tự nhiên đơn vị hành chính xã, huyện ở khu vực này quá lớn, nhiều xã bằng một huyện của đồng bằng Bắc Bộ, có huyện của vùng Tây Nguyên bằng diện tích tự nhiên của một tỉnh của đồng bằng Bắc Bộ nhưng chỉ có 01 cán bộ địa chính xã và 01 đến 02 cán bộ trong Phòng Tài nguyên và Môi trường ở cấp huyện làm công tác quản lý đất đai. Công tác đào tạo chuyển giao công nghệ kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ vận hành hệ thống theo mô hình hiện đại chưa được chú trọng, ở một số địa phương mặc dù đã được đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nhưng cán bộ vẫn tác nghiệp trên hồ sơ dạng giấy.
- Nguồn lực con người, lao động trong danh sách của nhiều nông trường, lâm trường không đáp ứng với diện tích đất được giao để sử dụng, có những công ty diện tích bình quân 01 người (bao gồm cả cán bộ quản lý) trên 500 ha , dẫn đến tình trạng các nông, lâm trường giao khoán đất sai mục đích, sai đối tượng, thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng khá phổ biến (điển hình ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung).
(7) Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản diễn ra rất phức tạp làm ảnh hưởng suy thoái môi trường và có tác động không nhỏ tới công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Diện tích đất rừng ngày càng bị thu hẹp, do các nông, lâm trường, Ban Quản lý rừng quản lý diện tích lớn nhưng cho thuê, khoán hoặc không quản lý được để người dân lấn chiếm hoặc nhận thuê khoán tự ý phá rừng chuyển sang làm nương rẫy.
(8) Kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai ở địa phương chưa đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ như chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP “Bố trí tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...”; việc đầu tư còn manh mún, dàn trải và không đồng bộ; việc xây dựng kế hoạch triển khai chưa sát với năng lực tổ chức thực hiện và kinh phí được bố trí; chưa tập trung vào những địa bàn trọng điểm; nhiều địa phương chỉ chú trọng vào việc đo vẽ bản đồ địa chính, mà ít quan tâm đến việc kê khai đăng ký, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận; lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để xác lập tính pháp lý của từng thửa đất và đưa vào vận hành thường xuyên.
IV. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ ĐỀ XUẤT
1. Giải pháp trong thời gian tới
- Rà soát các quy định của pháp luật về đất đai, lâm nghiệp; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc ít người;...để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 112/2015/QH13 của Quốc hội và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý nghiêm khắc các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, lấn chiếm, tranh chấp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng.
- Các địa phương quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, cơ chế xây dựng, phát triển các mô hình quản trị doanh nghiệp, đổi mới mô hình quản lý các công ty nông, lâm nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao, gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của vùng, địa phương.
- Lập tổ công tác liên ngành xuống từng địa phương để khảo sát đánh giá về công tác quản lý đất đai và công tác quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; tập trung thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất, trách nhiệm trong quản lý sử dụng đất nông, lâm trường.
- Triển khai thực hiện nghiêm túc về xây dựng và thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP”, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo yêu cầu tại Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 của Quốc hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến phần đất các nông, lâm trường (bao gồm cả các công ty nông, lâm nghiệp) bàn giao về địa phương.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi sát sao, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tăng cường công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.
- Bố trí đủ kinh phí, hướng dẫn, kiểm tra các địa ph¬ương, doanh nghiệp rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với các ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị định 118 và các đơn vị không thuộc diện thực hiện sắp xếp theo Nghị định 118.
- Quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, quy định định mức diện tích đất ở vùng nông thôn; khắc phục tình trạng di cư tự phát, dân cư trú phân tán trên diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng.
- Đề ra các giải pháp, phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng. Phê duyệt phương án sử dụng đất đai đối với từng nông, lâm trường tại địa phương.
- Thực hiện ngay việc lập phương án sử dụng đất đối phần diện tích mà nông, lâm trường bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng, giao cho các tổ chức, cá nhân thuê đất, ưu tiên giao cho các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
2.1. Đối với Quốc hội
- Quyết định phân bổ ngân sách bổ sung từ Trung ương hỗ trợ cho các địa phương để tổ chức thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này; các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về kết quả thực hiện và sử dụng nguồn kinh phí theo đúng quy định.
- Tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương về quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2.2. Đối với các Bộ, ngành Trung ương
- Thanh tra Chính phủ: Tăng cường công tác thanh tra đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; trước mắt tập trung thanh tra đối với đất đai các tổ chức có biểu hiện vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và diện tích đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương nhưng địa phương chậm đưa vào quản lý tổng thể.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo các nông, lâm trường, các địa phương tiến hành rà soát, đánh giá, xác định chính xác vị trí, diện tích 03 loại rừng, xây dựng phương án quản lý các nông, lâm trường phù hợp với quy hoạch phát triển và mục tiêu, định hướng phát triển rừng, bảo vệ môi trường của từng địa phương và cả nước. Chủ động rà soát, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ ngành, địa phương có các giải pháp giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm pháp luật tại khu vực quy hoạch đất rừng.
- Bộ Tài chính: Cân đối, bố trí nguồn kinh phí từ trung ương và địa phương để thực hiện Đề án đổi mới nông, lâm trường. Sửa đổi chính sách khuyến khích thu hút đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông, lâm nghiệp trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn, biên giới.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn việc thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng; thu hút và khuyến khích đầu tư; đặt hàng, giao kế hoạch nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
- Bộ Nội vụ, Bộ Công an: Hướng dẫn các địa phương trong việc thiết lập, xác nhận Giấy tờ tùy thân, Hộ khẩu cho người dân tộc thiểu số, dân di cư tự do ... làm cơ sở để địa phương xác định đối tượng được giao đất sản xuất.
2.3. Các địa phương
- Ủy ban nhân dân các cấp phải tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường; chủ động bố trí kinh phí thuộc nhiệm vụ của địa phương cho việc rà soát đất đai, đo đạc lập bản đồ địa chính, cắm mốc giới, lập và thực hiện phương án quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường bàn giao về địa phương, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận.
- Rà soát, đánh giá đầy đủ tình hình triển khai thi hành pháp luật về đất đai ở các cấp; trên cơ sở đó, có kế hoạch, biện pháp cụ thể để triển khai thực hiện những công viêc còn tồn đọng; chấn chỉnh, xử lý để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế trong thực hiện từng nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương; chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xác định những diện tích đất, rừng phòng hộ xung yếu; quy hoạch, đưa diện tích đất, rừng bỏ hoang chưa sử dụng hợp lý trước đây, chuyển sang rừng sản xuất để phát huy hiệu quả kinh tế; Việc bố trí các khu vực đất đai dự kiến giao cho bộ phận người dân di cư tự do phải đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng, đất ở và đất sản xuất, trong đó chú trọng việc định canh cho đồng bào.
- Chủ động, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan chủ quản trong việc tổ chức chỉ đạo các nông, lâm trường trên địa bàn rà soát, đánh giá hiệu quả và nhu cầu sử dụng đất; thống nhất giải pháp giải quyết dứt điểm và thu hồi đất thuộc diện phải bàn giao về địa phương để lên phương án quản lý, sử dụng tổng thể. Quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, quy định định mức diện tích đất ở vùng nông thôn.
2.4. Các nông, lâm trường và đơn vị chủ quản
Chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; rà soát, đánh giá nhu cầu, phương án sử dụng đất nông, lâm nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bàn giao về địa phương quản lý, sử dụng các diện tích đất không phù hợp nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị và phối hợp với chính quyền địa phương rà soát cụ thể từng trường hợp đất cho thuê, cho mượn, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, đất liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư; đất giao khoán ... để có biện pháp xử lý hữu hiệu./.
Tác giả: Triệu Văn Bình - PVT Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội
Theo Kienthuc.net
Comments