Mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng ông Nguyễn Văn Mạnh trú tại thị trấn Thất Khê (Tràng Định, Lạng Sơn) đã tự ý xây dựng công trình trên đất rừng rộng hàng trăm mét vuông, khiến dư luận bức xúc.
Người vi phạm đang là Đại biểu HĐND huyện
Thời gian gần đây, người dân huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn có phản ánh với phóng viên về việc ông Nguyễn Văn Mạnh (hiện trú tại thị trấn Thất Khê, Tràng Định) thuê mặt hồ, tại hồ Khuổi Hin thuộc thôn Khuổi Sao, xã Chi Lăng (Tràng Định) để kinh doanh dịch vụ câu cá.
Theo người dân, ông Mạnh đã có hành vi tự ý mở đường, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất ngay cạnh hồ trái quy định và xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm lòng hồ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Công trình của ông Nguyễn Văn Mạnh xây trái phép trên đất rừng sản xuất - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Có mặt tại khu vực hồ Khuổi Hin, thôn Khuổi Sao cuối tháng 2/2022, PV Báo TN&MT ghi nhận, việc phản ánh của người dân là có sơ sở. Tại đây, một công trình giống kiểu biệt thự 2 tầng, rộng khoảng 300m2 đã được xây dựng gần hoàn thiện nằm ngay bên hồ.
Ông Mạnh san ủi đất rừng để xây dựng công trình trái phép - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Ngoài ra, xung quanh còn nhiều hạng mục công trình kiên cố khác đã xây xong và có dấu hiệu lấn chiếm lòng hồ. Đường dẫn vào công trình là đường bê tông rộng khoảng 3m, dài chừng 50m kết nối với tuyến Quốc lộ 4A.
Mặt trước công trình của ông Mạnh - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Theo người dân địa phương, ông Mạnh đã tiến hành xây dựng công trình và kinh doanh dịch vụ câu cá từ nhiều năm nay. Địa điểm này có khá nhiều khách lui tới để câu cá, ăn uống. Ông Mạnh cũng là đại biểu HĐND huyện Tràng Định.
Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Tràng Định, Nông Văn Lâm cũng xác nhận với PV, ông Nguyễn Văn Mạnh hiện đang là Đại biểu HĐND huyện này.
Chính quyền có làm ngơ?
Để làm rõ sự việc này, PV đã có buổi làm việc với UBND xã Chi Lăng. Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, ông Nguyễn Văn Hoàng xác nhận, công trình nói trên là của ông Nguyễn Văn Mạnh, trú tại thị trấn Thất Khê. Ngày 18/1 vừa qua, xã đã tiến hành kiểm tra thực địa và làm việc với các bên liên quan.
Theo Chủ tịch UBND xã Chi Lăng thì việc ông Mạnh san gạt và xây dựng công trình này chưa xin phép xã. Nhà ông Mạnh xây dựng cũng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Công trình đã cơ bản hoàn thiện - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
“Chỗ này (nhà ông Mạnh – PV) các sếp ở huyện trước vào suốt nhưng không thấy ý kiến gì nên cứ nghĩ là việc này được phép xây dựng. Chính quyền xã lại không để ý việc đấy, nhiều lúc cũng bị lỏng lẻo chỗ này… Thực ra vi phạm trên địa bàn huyện thì không phải chỉ riêng xã Chi Lăng.” – Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hoàng lý giải về việc công trình đã xây dựng nhiều năm nhưng không được phát hiện kịp thời, xử lý.
Nhiều hạng mục đã hoàn thiện có dấu hiệu lấn chiếm lòng hồ thủy lợi Khuổi Hin - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Theo báo cáo số 19/BC-UBND ngày 20/1/2021 của UBND xã Chi Lăng, tại thửa đất số 44, tờ bản đồ số 2 đất lâm nghiệp xã Chi Lăng, tổng diện tích 132.122m2, mục đích sử dụng là đất rừng sản xuất, ông Mạnh đang xây dựng công trình bằng bê tông xi măng; nền láng gạch men, mái lợp ngói sứ cao cấp với diện tích vi phạm từ 200m2 - 300 m2. Việc san gạt và xây dựng được thực hiện qua các năm: bắt đầu từ năm 2011, năm 2017 đến năm 2022. Hiện công trình đã cơ bản hoàn thành.
Tại buổi làm việc với UBND xã, ông Mạnh thừa nhận, việc xây dựng công trình của gia đình chưa xin phép cơ quan có thẩm quyền, do việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông này và ông Triệu Văn Đài, trú tại thôn Khuổi Sao chưa xong.
Cũng tại buổi làm việc, phía Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tràng Định cho biết: việc san gạt đất, xây dựng công trình của ông Mạnh không xin phép Xí nghiệp, nếu công trình vi phạm hành lang lòng hồ, đề nghị ông Mạnh tháo dỡ công trình.
Theo người dân địa phương ông Mạnh còn tự ý mở đường trên đất rừng - Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường
Như vậy, việc ông Nguyễn Văn Mạnh (Đại biểu HĐND huyện Tràng Định) tiến hành san ủi và xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất đã diễn ra từ lâu. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà từ xã đến huyện đều không có động thái ngăn chặn, xử lý? Điều này khiến dư luận bức xúc quan tâm.
Kommentare