Triển khai Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Nguồn: Đức Tuấn - nhandan.com.vn
Ngày 13/9, Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” đã được Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Tỉnh ủy Sơn La và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức tại Sơn La.
Bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đánh giá Hội thảo là một hoạt động quan trọng triển khai Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Thời gian vừa qua, công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác xây dựng nguồn nhân lực đối với các dân tộc thiểu số ở nước ta đã có những thành tựu rất quan trọng, một đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số hùng hậu đã được hình thành, đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn chưa chú trọng đúng mức trong phát huy tiềm năng, lợi thế, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; chưa thúc đẩy việc kết nối giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với vùng phát triển; một số chính sách chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống.
Mặc dù Nhà nước ta đã tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cả về số lượng và chất lượng nhưng so với mức phát triển chung của nguồn nhân lực toàn quốc thì vẫn còn có sự cách biệt lớn. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo nguồn nhân lực cũng chưa thực sự gắn kết với đặc điểm vùng miền và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng địa phương, từng vùng dân tộc. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là cán bộ quản lý hợp tác xã, quản lý ngành dịch vụ, quản lý ngành nông, lâm nghiệp, quản lý thủy nông, rồi cán bộ làm tiếp thị, công thương… ở cơ sở cần phải gắn chặt hơn nữa và đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ khác nhau ở các vùng, các dân tộc khác nhau, nhằm đáp ứng yêu cầu của các địa phương cũng rất khác nhau nên rất cần bàn thảo, có suy nghĩ thống nhất, có chủ trương, việc làm thống nhất.
Ngày 30/10/2019, sau khi xem xét kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã kết luận: Tiếp tục “Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”, đồng thời “phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”; “tập trung phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số”.
Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. 100% đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên họp đã nhất trí thông qua Nghị quyết với Tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 – 2025, tối thiểu là 137.664 tỷ đồng.
“Như vậy, chúng ta đã có chủ trương, có chính sách, có pháp luật và đã được bố trí nguồn lực để thực thi những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, tạo điều kiện đặc biệt thuận lợi, là thời điểm chưa từng có trong lịch sử nước ta khi chính sách dân tộc được hoạch định và bảo đảm thực hiện trên thực tế bằng những nguồn lực cụ thể, rõ ràng. Do đó, chúng ta có trách nhiệm triển khai thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả thiết thực, bảo đảm sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng: “Về an ninh quốc phòng, vùng dân tộc thiểu số và miền núi là phên dậu của tổ quốc. Về an ninh nguồn nước, 15,4 triệu ha rừng chính là nguồn sinh thủy giữ nước và tạo nước. An ninh về mặt năng lượng chiếm tỉ trọng lớn trong tổng sơ đồ điện lực của Việt Nam hiện nay bằng nguồn điện. Ngoài ra còn có vai trò an ninh về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 4 nhiệm vụ an ninh lớn mang tính bao trùm đó cùng với tiềm năng lợi thế về khí hậu, về thổ nhưỡng, đất đai đa dạng sinh học, đặc biệt là văn hóa đa dạng của 53 dân tộc cư trú trong tổng số 54 dân tộc Việt thật sự là một tiềm năng to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra yếu tố con người nói chung hay nguồn nhân lực là một nhân tố bao trùm hết thảy cho sự phát triển chung. Và Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” được tổ chức nhằm thúc đẩy mục tiêu bao trùm đó.
Những ý kiến đóng góp tại chương trình đều là những ý kiến sâu sắc, có trách nhiệm của các cơ quan khoa học, các cơ quan đào tạo, quản lý giáo dục. Đây là những tài liệu quý giá đóng góp cho cơ quan tổ chức, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương để phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế xã hội tổng thể của vùng dân tộc và miền núi. Qua đó góp phần quan trọng để đưa Việt Nam phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
------------
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 75% diện tích của cả nước, là vùng núi cao, biên giới, có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phân bố tại 51/63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái. Các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,4%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 8,1%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,3%/năm.
Tốc độ tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ bé, xuất phát điểm thấp, chất lượng tăng trưởng vẫn dựa chủ yếu vào tăng vốn đầu tư. Một số địa phương đã bước đầu phát triển các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng cao như: cà phê, chè, cao su, điều, tiêu, cây dược liệu, cây lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ...
Theo Nông nghiệp
Comments