top of page

Vì sao khiếu kiện từ đất đai chưa giảm?

Trong câu chuyện với tôi mới đây, đồng chí bí thư huyện ủy một địa phương trăn trở: “Tôi thấy các con số thống kê, khoảng 70% số vụ khiếu kiện hiện nay là liên quan đến lĩnh vực đất đai. Một con số rất lớn, cũng là một vấn đề phức tạp. Vậy tại sao chúng ta chưa tập trung đầu tư đủ nguồn lực để giải quyết vấn đề này?”.


Vấn đề đồng chí bí thư huyện ủy đề cập không mới nhưng là thực trạng nhức nhối bấy lâu nay. Sự phức tạp cùng những bất cập trong công tác quản lý đất đai chưa thể tháo gỡ ngay một sớm một chiều. Đơn cử như người dân muốn mua một mảnh đất, đáng ra, để tránh mọi rủi ro và minh bạch trong quản lý nhà nước thì người dân phải được dễ dàng, thuận tiện tiếp cận thông tin về mảnh đất đó từ dữ liệu quản lý của cơ quan quản lý. Dữ liệu cần có thông tin đầy đủ về mảnh đất đó, quá trình di biến động, tình trạng pháp lý, quy hoạch...


Trên thực tế, ở nhiều nơi, người mua rất khó để tiếp cận được thông tin chính thống. Việc giao dịch tự phát, giao dịch hai giá (giá mua bán thực tế khác giá ghi trên hợp đồng) khiến Nhà nước không chỉ thất thu thuế mà người mua, người bán cũng tiềm ẩn rủi ro. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề do công tác quản lý chưa tốt dẫn đến khiếu kiện về đất đai luôn phức tạp.

Ảnh minh họa


Tình trạng sai phạm về đất đai diễn ra ở nhiều địa phương. Các cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này hầu hết đều phát hiện có sai phạm hoặc có vấn đề phải chấn chỉnh, xử lý. Theo thống kê của cơ quan chức năng, khiếu kiện về đất đai phổ biến nhất ở 4 lĩnh vực: Bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm chế độ quản lý, sử dụng đất; giải quyết các tranh chấp về đất đai của các cơ quan nhà nước. Tình trạng khiếu kiện về đất đai “nóng” từ thực tế đến nghị trường. Tại nhiều cuộc làm việc của cơ quan chức năng, các diễn đàn, hội nghị đều chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này nhưng việc giải quyết nó chưa có nhiều chuyển biến.


Theo các chuyên gia, để từng bước khắc phục tình trạng khiếu kiện phức tạp về đất đai, quan trọng nhất là cần hoàn thiện hệ thống luật pháp trong lĩnh vực này. Luật Đất đai hiện hành và các văn bản pháp lý trong lĩnh vực này đã bộc lộ sự lạc hậu, bất cập, cả về vấn đề sở hữu, giá đất, thu hồi, đền bù thiệt hại về đất khi thực hiện các dự án đầu tư... Chúng ta phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng luật, cần huy động nguồn lực thích đáng cả về trí tuệ, tài chính, cơ chế, chính sách cho công tác này. Muốn có luật tốt thì phải chống được tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ngay trong công tác xây dựng luật.


Song song với công tác xây dựng luật pháp, công tác quản lý đất đai phải tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, minh bạch. Những bài học về tình trạng cán bộ thực hiện chính sách không đúng, không công bằng, không công khai, minh bạch, buông lỏng quản lý khiến sai phạm xảy ra rất nhức nhối. Đất đai là lĩnh vực phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đòi hỏi phải đào tạo, tuyển chọn được đội ngũ cán bộ có kiến thức, kỹ năng nhưng đồng thời phải có phẩm chất đạo đức công vụ tốt. Một yếu tố khác không thể xem nhẹ đó là thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.


Luật pháp chặt chẽ, quản lý minh bạch là nền tảng để ngăn chặn những sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, từ đó hạn chế tình trạng khiếu kiện phức tạp hiện nay.


Theo TTXVN

bottom of page