Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị UBND xã xem xét, giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ ông Xa Văn H. và Xa Văn Nh. ở xóm Lanh, UBND xã Cao Sơn (Đà Bắc, Hòa Bình) đã thành lập tổ công tác để giải quyết. Trên cơ sở đối thoại, bằng cái lý, cái tình, "nút thắt" gây mâu thuẫn giữa 2 gia đình đã được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, thỏa đáng.
Người dân được cán bộ chuyên môn xã Cao Sơn (Đà Bắc) tư vấn, giải đáp thắc mắc liên quan đến các chính sách, pháp luật tại trụ sở UBND xã.
Theo đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã, có được kết quả trên là do thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các bộ phận chuyên môn làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC). Nhờ vậy, các vụ việc đều được xem xét, giải quyết kịp thời, thỏa đáng.
10 tháng năm nay, UBND xã đã tiếp nhận và giải quyết 10 đơn thư, trong đó, 9/10 đơn thư liên quan đến đất đai. 100% đơn thư được cán bộ chuyên môn phối hợp tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết, không có đơn thư tồn đọng. "Đơn thư KNTC của người dân liên quan đến tranh chấp đất đai giữa các hộ sẽ không được giải quyết dứt điểm nếu chúng tôi cứ cứng nhắc áp dụng các biện pháp hành chính” - đồng chí Bàn Văn Xuân chia sẻ. Trước yêu cầu cần nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết những mâu thuẫn, vướng mắc của người dân, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể xã xác định cần phải có sự đối thoại giữa các bên với cấp ủy, chính quyền địa phương, giải quyết vụ việc thông qua công tác hòa giải.
Với tinh thần đó, các đồng chí lãnh đạo xã, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã đều tham gia đối thoại với các bên liên quan. Như giải quyết vụ việc tranh chấp đất vườn giữa gia đình ông Xa Văn H và Xa Văn Nh tại xóm Lanh; tranh chấp đất lâm nghiệp giữa hộ ông Xa Văn B và Đinh Văn Th ở xóm Rằng trong tháng 9 vừa qua. "Trong quá trình giải quyết vụ việc, người đứng đầu phải trực tiếp vào cuộc. Vụ việc dù lớn, dù bé chúng tôi đều nghiên cứu thật kỹ, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, vướng mắc phát sinh, xác định nguyên nhân phát sinh đơn kiến nghị do ai, tại sao lại kiến nghị... Thêm nữa, quá trình làm công tác vận động chúng tôi đặt mình vào vị trí của các bên để thấu hiểu, có sự chia sẻ mới hướng đến giải quyết, tháo gỡ mâu thuẫn, khúc mắc. Khi giải quyết vụ việc hướng đến cái chung, nhưng vẫn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, theo đúng quy định của pháp luật” - đồng chí Bàn Văn Xuân cho biết.
Với sự vào cuộc của lãnh đạo Đảng ủy, UBND trong giải quyết đơn thư KNTC, xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL), tăng cường trợ giúp pháp lý (TGPL) lưu động tại thôn, xóm, khu dân cư. Bình quân mỗi năm, xã phối hợp Chi nhánh TGPL huyện tổ chức từ 3 - 4 đợt TGPL lưu động kết hợp TTPBGDPL tại các xóm, tập trung ở các địa bàn điều kiện khó khăn như Sưng, Bai, Tằm, Lanh... Tại các buổi TGPL, nhiều vấn đề, khúc mắc của người dân liên quan đến chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình, chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ người dân vùng lòng hồ... được giải đáp tại chỗ. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền được tổng hợp, gửi cơ quan chức năng trả lời đến người dân bằng văn bản. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức pháp luật của người dân theo hướng tích cực, góp phần quan trọng giữ vững ổn định TTATXH, an ninh nông thôn trên địa bàn.
Theo Báo Hòa Bình
Comments