top of page

Đồng Nai: Án tranh chấp đất đai vẫn còn nhiều

Theo TAND tỉnh, trong những năm gần đây, tình hình tranh chấp liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều, tính chất vụ việc phức tạp, gay gắt, khó giải quyết dẫn đến kéo dài.

Hiện nay, có rất nhiều loại tranh chấp đất như: tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), hợp đồng chuyển đổi đất; tranh chấp hợp đồng thuê, thế chấp, thừa kế QSDĐ; tranh chấp đòi đất cho mượn, ở nhờ, lấn chiếm...


Tranh chấp nhỏ, kéo dài


Theo TAND tỉnh, tình trạng tranh chấp đất hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân chính là do biến động giá đất với xu hướng giá trị QSDĐ tăng cao. Vì thế, việc tranh chấp liên quan đến đất diễn ra giữa nhiều đối tượng khác nhau như: giữa anh em, cha con, bạn bè…, nhất là tranh chấp giữa hàng xóm với nhau diễn ra khá phổ biến.


Hiện nay, có nhiều trường hợp dù là hàng xóm lâu năm nhưng khi giá đất thị trường tăng cao theo hướng “tấc đất, tấc vàng” thì hàng xóm cũng “trở mặt” và đưa nhau ra tòa chỉ vì tranh chấp nhỏ. Điển hình như đầu năm 2021, gia đình bà T.L. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) và vợ chồng ông T.B. (hàng xóm nhà bà L.) kiện nhau ra tòa sau nhiều lần hòa giải không thành.


Trong năm 2020, TAND hai cấp đã xử lý 720/gần 2,7 ngàn vụ, việc tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai (năm 2019, TAND hai cấp đã xử lý hơn 1,5 ngàn/gần 2,3 ngàn vụ, việc). Trong đó, chủ yếu là tranh chấp hợp đồng chuyển đổi QSDĐ và tranh chấp QSDĐ chiếm hơn 1,9 ngàn vụ, việc.

Bà L. kể, vào năm 1993, gia đình bà đến P.Bình Đa mua được 70m2 đất. Đến năm 1995 bà xây nhà và có để lại một khoảnh đất ngang 0,5m và dài 13m bên hông nhà để tiện cho việc sinh hoạt. Đến năm 1995, nhà ông B. đến mua căn nhà sát bên nhà bà L. và vẫn sử dụng lối đi 0,5mx13m chung với nhà bà L. để mở cửa sổ và thoát nước mưa.


Đến năm 2017, giữa ông B. và bà L. bắt đầu xảy ra tranh chấp lối đi này. Bà L. nộp đơn khởi kiện ông B. ra tòa vì cho rằng phần đất dư đó thuộc quyền sở hữu của gia đình bà nhưng gia đình ông B. có hành vi lấn chiếm đất và ngăn cản quyền sử dụng lối đi này. Sau thời gian dài tiến hành hòa giải không thành, đến năm 2020, TAND TP.Biên Hòa đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của bà L. vì phần đất trống 0,5mx13m không thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn và bị đơn mà được xác định là phần đất chung để thông gió và thoát nước mưa.


Bên cạnh đó, cũng có những vụ án dù tranh chấp diện tích đất rất nhỏ nhưng kéo dài nhiều năm bởi các bên không chấp nhận bản án của tòa án cấp sơ thẩm mà tiếp tục kháng cáo lên tòa án cấp phúc thẩm để giải quyết. Cụ thể như vụ việc tranh chấp diện tích đất 1,4m2 giữa ông X.T. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) và bà L.A. (hàng xóm ông T.).


Theo nội dung vụ việc, vào năm 2017, ông T. phát hiện tường bao tại thửa đất rộng gần 300m2 bị nhà bà A. lấn chiếm 1,4m2 (0,15mx29m). Dù được hòa giải nhiều lần nhưng không thành nên ông T. nộp đơn kiện đòi lại đất. Đến cuối năm 2020, TAND TP.Biên Hòa tuyên buộc bà A. phải trả lại diện tích 1,4m2. Dù diện tích đất nhỏ và đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết nhưng vụ án vẫn chưa đến hồi kết bởi bị đơn không đồng ý và tiếp tục kháng cáo lên TAND tỉnh yêu cầu giải quyết.


Gỡ khó trong giải quyết tranh chấp đất


Theo đánh giá của TAND tỉnh, các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai đa phần là những vụ kiện khó, phức tạp, kéo dài. Nguyên nhân chủ yếu do một số quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chưa đồng bộ hoặc chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn nhiều quan điểm, nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau giữa các thẩm phán, các cấp tòa. Đặc biệt, quy định của Luật Đất đai năm 2013 về thu hồi, bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất có nhiều thay đổi. Việc đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật, thu thập xác minh trong một số vụ án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.


Đồng quan điểm nêu trên, theo Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, Viện KSND tỉnh La Minh Dũng, có nhiều vụ, việc sau khi đã có phán quyết của tòa án cấp sơ thẩm nhưng các bên vẫn không đồng ý và tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm dẫn đến vụ án kéo dài và gay gắt. Mặt khác, trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân còn thấp; giao dịch mua bán, cho mượn, cho ở nhờ… không có giấy tờ cụ thể; việc điều tra, xác minh để cấp giấy chứng nhận QSDĐ của cơ quan có thẩm quyền chưa đầy đủ về nguồn gốc tài sản dẫn đến cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho người không có quyền sử dụng thửa đất đó, người không phải là chủ sở hữu.


“Thậm chí, việc cấp đất còn được đo vẽ bằng phương pháp thủ công, không có mốc tọa độ kỹ thuật mà chỉ dựa vào sự tiếp giáp liền kề với các thửa đất khác như bờ rào, hàng cây…nên quá trình sử dụng thường xảy ra tranh chấp” - ông Dũng cho biết.


Do đó, theo ông Dũng, để kéo giảm các vụ tranh chấp đất hiện nay, ngoài việc người dân phải nâng cao hiểu biết pháp luật thì cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến thửa đất trước khi thực hiện giao dịch mua bán. Đối với việc cho mượn hay cho ở nhờ… thì cần phải lập các giấy tờ, thủ tục cần thiết và được các cơ quan chức năng xác nhận, đóng dấu thành các giấy tờ hợp lệ để tránh tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước liên quan đến việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cần phải tiến hành thu thập, xác minh thông tin cần thiết, đầy đủ, chính xác, rõ ràng để cấp giấy cho đúng chủ sở hữu, tránh xảy ra những tranh chấp đáng tiếc.


Bàn về giải quyết án tranh chấp liên quan đến đất đai, Phó chánh án TAND H.Long Thành Nguyễn Thị Phụng cho biết, để giải quyết tình trạng án tăng, trong đó có án liên quan đến tranh chấp đất đai, TAND H.Long Thành đã phải tăng cường thực hiện nhanh việc thu thập chứng cứ, yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan tham mưu của UBND huyện, tiến hành đo đạc và định giá tài sản. Đặc biệt, để giải quyết nhanh, hiệu quả, chính xác các loại án, nhất là án tranh chấp liên quan đến đất thì tập thể đơn vị phải có sự đoàn kết thống nhất cao. Đây là một trong những động lực thúc đẩy trách nhiệm của từng cán bộ công chức trong công tác. Mọi thẩm phán, cán bộ tòa đều ra sức đồng lòng giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ của ngành đề ra.


Theo Báo Đồng Nai


bottom of page