top of page

Bình Thuận: Kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số thay đổi rõ nét sau 30 năm tái lập tỉnh

Tỉnh Bình Thuận hiện có 34 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống với hơn 100.000 người cư trú rộng khắp trên địa bàn, chiếm trên 8% dân số toàn tỉnh. Suốt 30 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh (năm 1992), UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều chương trình, chính sách thiết thực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước.


Hoàn thiện 100% cơ sở hạ tầng tại vùng đồng bào DTTS


Trong 30 năm qua, UBND tỉnh đã tập trung triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng tại vùng đồng bằng và cả vùng miền núi nhằm phục vụ đi lại, sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào DTTS.


Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã, cùng với điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông. Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, với 17 xã miền núi, vùng đồng bào DTTS đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 4/17 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.


Bên cạnh đó, mạng lưới y tế ở các xã thuần đồng bào DTTS tiếp tục được củng cố, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Các trạm y tế xã đều có bác sĩ điều trị, có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 88,3%.


Biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để phát triển và hội nhập


Mặc dù xuất phát điểm thấp, nhưng 30 năm qua, tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn, thử thách, đoàn kết, thống nhất, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào thực tế phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, là các chủ trương, chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, giúp đồng bào vùng đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định và phát triển. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế vùng DTTS dần dịch chuyển theo xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh, góp phần đưa Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung.


Đáng chú ý nhất là Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 27/5/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Đây được xem là chính sách quan trọng, tạo đột phá và giải quyết căn bản đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Theo đó, thời gian qua, tỉnh Bình Thuận đã chi hàng chục tỷ đồng khai hoang cấp đất cho đồng bào DTTS. Tính đến nay, tỉnh đã cấp 5.726,45 ha/5.375 hộ, cơ bản đáp ứng được tình trạng thiếu đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, các địa phương đã hỗ trợ phát triển sản xuất bằng mô hình: Hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản, gà thả vườn, cây ăn trái… cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nông cụ sản xuất, mở lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho đồng bào.


Bên cạnh chính sách cấp đất sản xuất, chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư đã giúp đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa để sản xuất; cùng với việc bao tiêu sản phẩm theo giá phù hợp, đã hạn chế tình trạng đồng bào đi vay lãi nặng, bị tư thương ép giá, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào DTTS.


Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc tỉnh) cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào DTTS vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc DTTS xen ghép. Các cửa hàng, đại lý này đã cung ứng kịp thời mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất của đồng bào.



Theo ghi nhận của Ban Dân tộc tỉnh, các chủ trương, chính sách đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc, miền núi, tạo sức bật giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, qua 30 năm, diện hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS giảm từ 24,63% (theo tiêu chí cũ) đến tháng 12/2021 còn 3,64% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Với mục tiêu phát huy tối đa nội lực, biến lợi thế, tiềm năng thành nguồn lực quan trọng để tự lực vươn lên, phát triển và hội nhập; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước. Tháng 8/2022, UBND tỉnh Bình Thuận triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.


Theo đó, Bình Thuận tiếp tục đầu tư xây dựng, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS, đầu tư thiết chế văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.


Song song đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh khai thác, nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất nông nghiệp, gắn sản xuất, trồng trọt với phát triển chăn nuôi và các ngành nghề, dịch vụ, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời, các cấp chính quyền tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân và doanh nghiệp; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước tại vùng đồng DTTS.


Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2030, đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận phấn đấu đảm bảo 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% Trạm y tế xã được kiên cố hóa, đạt chuẩn y tế quốc gia. 100% phòng học được kiên cố hóa, 50% trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. 100% trụ sở xã được xây dựng kiên cố. 100% xã có nhà văn hóa, 100% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng được kiên cố hóa. 99,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. 98% hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 1,5 - 2%/năm; 76,33% hộ DTTS có thẻ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 20%. Thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn (2021-2025) hơn 850 tỷ đồng.




bottom of page