top of page

Luật Đất đai 2013 sửa đổi sẽ tập trung vào ba mục tiêu lớn


Ngày 8/7 tại Hà Nội, Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Diễn đàn khoa học “Khuyến nghị một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013”, có sự tham dự của hơn 70 đại biểu là các chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, các trường đại học tại Việt Nam.


Phát biểu tại Diễn đàn, TSKH Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch VUSTA - ĐBQH khóa XIV cho biết, Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần, gần đây nhất là Luật Đất đai 2013.

Để thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành 11 nghị định, các bộ ngành đã ban hành 40 thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết thi hành luật, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá tình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước.

TSKH Nghiêm Vũ Khải cũng chỉ ra rằng, thực tế thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy, hiện nay nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội; khó khăn trong việc tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

"Tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến, khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai rất phức tạp, chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 70%", TSKH Nghiêm Vũ Khải nêu rõ.


Nguyên nhân của tình trạng nêu trên, theo ông, là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, còn chống chéo và không thống nhất trong quy định của các luật quy định; một số quy định của Luật Đất đai có xung đột với quy định của các luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư công... Một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn, có nội dung phát sinh mới mà pháp luật chưa kịp điều chỉnh gây khó khăn trong thi hành.

Bà Hoàng Vân Anh- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng Cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định – Luật Đất đai 2013 sửa đổi sẽ được tập trung vào giải quyết 03 mục tiêu lớn xuyên suốt là quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy được nguồn đất đai cho phát triển kinh tế; tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về chính sách đất đai, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất để thúc đẩy phát triển; giải quyết, giảm khiếu kiện trọng lĩnh vực đất đai.


Đồng thời, Bộ Tài nguyên Môi trường dự kiến xem xét sửa đổi, bổ sung 8 nhóm chính sách lớn gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kinh tế, tài chính đất đai và phát huy nguồn lực đất đai; về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về thu hồi đất; về chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai; về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về việc quản lý, sử dụng đất của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các Luật có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Lâm nghiệp…

Diễn đàn khoa học do VUSTA tổ chức nhằm tiếp tục rà soát những bất cập của Luật Đất đai 2013, đề xuất phương hướng sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm sự tương thích, phù hợp với với các luật khác, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi trong quá trình triển khai pháp luật trong cuộc sống.


Dự kiến, dự thảo Luật này dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào năm 2023.

Luật Đất đai hiện đã trải qua 05 sửa đổi: Luật đầu tiên được ban vào vào năm 1987 và có hiệu lực từ ngày 08/01/1988 với 06 chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/7/1993 ban hành ngày 14/7/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, Luật Đất đai lại được sửa đổi, bổ sung với 07 chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01/7/2014 và hiện đang được lấy ý kiến để tiếp tục sửa đổi bổ sung.

Theo Báo Công thương


Komentarji


bottom of page