top of page

Gỡ khó trong giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai

Hiện nay, tranh chấp liên quan đến đất đai diễn ra khá phức tạp và ngày càng gia tăng. Một số vụ việc tranh chấp kéo dài do có nhiều tình tiết phức tạp khiến cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết.

Một phiên tòa xét xử phúc thẩm tranh chấp liên quan đến đất đai tại TAND tỉnh. Ảnh: T.Tâm


Theo ngành tòa án, việc nâng cao chất lượng xét xử nói chung và các tranh chấp liên quan đến đất đai nói riêng không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà còn góp phần giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.


Án tranh chấp đất đai phức tạp


Thời gian qua, có nhiều vụ án liên quan đến tranh chấp đất kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể giải quyết. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng và ảnh hưởng đến cuộc sống, gây tâm lý bức xúc của một số người dân.


Trong đó, có nhiều vụ án phải xử lại nhiều lần, kéo dài do gặp khó trong quá trình xác định nguồn gốc đất và phát sinh nhiều vấn đề về quản lý và tranh chấp đất đai. Điển hình như mới đây, TAND tỉnh đã phải tuyên hủy toàn bộ một bản án tranh chấp quyền sử dụng đất của TAND TP.Biên Hòa vì nhiều vấn đề chưa được làm rõ trong vụ án.


Cụ thể, từ trước năm 1975, vợ chồng ông K. cho gia đình ông S. và ông T. thuê đất để lấy hoa lợi tại TP.Biên Hòa. Đến năm 1989, vợ chồng ông K. lập di chúc để đất lại cho con, trong đó có bà M. được cho 4,5 ngàn m2. Tuy nhiên, sau năm 1975, Nhà nước thu hồi số đất trên và tiếp tục giao khoán cho hộ ông S. và ông T. sản xuất. Đến năm 2000, con bà M. đến cải tạo đất để canh tác thì không thấy ai tranh chấp. Đến năm 2006, bà M. làm đơn xin lại ruộng đất thì biết đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho ông S. và ông T. nên bà làm đơn khởi kiện.


Sau khi xem xét hồ sơ, thu thập chứng cứ, TAND TP.Biên Hòa buộc 2 ông S. và T. trả lại diện tích đất hơn 1,6 ngàn m2 cho bà M. Vụ án bị kháng cáo lên tòa cấp phúc thẩm và TAND tỉnh hủy toàn bộ bản án của TAND TP.Biên Hòa do cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguồn gốc đất, hiện trạng canh tác đất từ xưa đến nay. Đồng thời, hiện diện tích đất tranh chấp đã được bán sang tên cho người khác nên cần xác định lại người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Vụ án tuy đã kéo dài nhiều năm nhưng vẫn rất khó giải quyết vì đã trải qua nhiều năm, đất đã qua nhiều người quản lý, sử dụng.


Cũng có những vụ án chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống mà dù các bên đã sinh sống ổn định trên phần đất đang ở từ năm 1991 vẫn kiện nhau ra tòa từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm, khiến vụ án kéo dài nhiều năm liền. Đơn cử, vào năm 1991, ông H.N.D. (67 tuổi, ngụ H.Thống Nhất) cho vợ chồng ông H.V.T. (52 tuổi) 100m2 đất để sinh sống (sau đó vợ chồng ông T. cơi nới thêm để có diện tích hơn 330m2). Đến năm 2012, do phát sinh mâu thuẫn và ông D. phát hiện đất gia đình ông bị lấn chiếm nên làm đơn khởi kiện tranh chấp đất, yêu cầu ông T. trả lại hơn 230m2 đất đã lấn chiếm.


Vụ việc kéo dài đến tháng 5-2021, TAND H.Thống Nhất xác định ông T. đã lấn diện tích đất hơn 80m2 nên yêu cầu trả lại bằng giá trị tiền gần 500 triệu đồng. Sau đó, ông D. tiếp tục kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Đến đầu năm 2022, TAND tỉnh đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.


Thượng tôn pháp luật


Theo ngành tòa án, thời gian qua, các vụ tranh chấp, khiếu kiện đều tăng cao, nhất là tranh chấp liên quan đến đất đai rất phức tạp, đương sự mâu thuẫn căng thẳng, gây áp lực cho ngành tòa án ngay từ khi mới thụ lý hồ sơ.


Chánh án TAND H.Vĩnh Cửu Bùi Bá Diễn cho biết, hiện nay tranh chấp, khiếu kiện phát sinh ngày càng nhiều với tính chất phức tạp, nhất là tranh chấp liên quan đến đất đai như: tranh chấp quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tranh chấp thừa kế tài sản… Nguyên nhân các vụ tranh chấp chủ yếu là do cơn “sốt đất” tăng cao; quá trình quản lý đất đai từ nhiều thời kỳ còn tồn đọng bất cập khó giải quyết dứt điểm, khó xác định nguồn gốc đất; nhiều dự án kinh tế lớn được xây dựng trên địa bàn Đồng Nai… đã khiến tranh chấp phức tạp, kéo dài.


Tuy nhiên, theo thẩm phán Bùi Bá Diễn, để giải quyết án dân sự nói chung và tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất nói riêng đảm bảo về tiến độ và chất lượng, đòi hỏi thẩm phán, thư ký tòa án phải nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là những quy định về đất đai qua từng thời kỳ. Đồng thời, lực lượng giải quyết án cần thường xuyên cập nhật các văn bản pháp quy mới ban hành, rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm khi thực hiện trình tự thủ tục tố tụng.


Cụ thể, việc giải quyết án tranh chấp liên quan đến đất đai cần xác định đúng thẩm quyền; xác định đúng và đầy đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để đưa họ vào tham gia tố tụng trong vụ án (muốn vậy thì phải chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án); phải xem việc bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không hợp tác, không đến tòa án làm việc theo giấy mời là bình thường vì pháp luật đã dự liệu và có quy định cách thức xử lý trong trường hợp này. Đặc biệt là cần hạn chế tạm đình chỉ vụ án nhiều lần sẽ làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.


Cũng theo lãnh đạo TAND tỉnh, mặc dù các vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai rất phức tạp nhưng thẩm phán, thư ký được phân công giải quyết án luôn tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao; tiến hành các bước tố tụng, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận của đương sự; quan tâm hướng dẫn đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng; chú trọng việc hòa giải, giải thích để hướng dẫn các bên tự nguyện thỏa thuận giải quyết các vụ việc theo đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải tạo điều kiện, phối hợp để ngành tòa án dễ dàng xác minh thông tin nhằm giúp vụ án được giải quyết nhanh chóng, chính xác và dứt điểm. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân và góp phần tuyên truyền để người dân hiểu và thượng tôn pháp luật.



bottom of page