top of page

Kỹ năng ghi biên bản hoà giải và sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở

Trong hoà giải ở cơ sở việc ghi biên bản là không bắt buộc. Việc ghi biên bản chỉ được tiến hành khi các bên có yêu cầu hoặc được các bên đồng ý việc hoà giải được tổ viên Tổ hoà giải lập biên bản hoà giải.


Tuy nhiên trong hoà giải ở cơ sở việc ghi vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở là bắt buộc và theo mẫu của Bộ Tư pháp.



1. Biên bản hoà giải được lập khi các bên có yêu cầu


Việc hoà giải không bắt buộc phải lập thành biên bản.


Trong trường hợp các bên có yêu cầu hoặc được các bên đồng ý việc hoà giải được tổ viên Tổ hoà giải lập biên bản hoà giải. Tuy nhiên, biên bản hoà giải không phải là một chứng cứ pháp lý, không phải là cơ sở pháp lý và cũng không làm phát sinh hậu quả pháp lý nào.


Biên bản hoà giải chỉ là sự ghi lại sự thoả thuận giữa các bên, mang ý nghĩa đạo lý, danh dự và tạo nên một sự ràng buộc về mặt đạo lý và tâm lý giữa các bên.

Trong trường hợp đã có biên bản hoà giải thành nhưng sau đó các bên lại không muốn thực hiện thoả thuận đã đạt được thì không ai có quyền dựa vào biên bản hoà giải để cưỡng chế các bên thi hành kết quả hoà giải được ghi nhận trong biên bản.


Nếu các bên không đồng ý thì có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Luật không bắt buộc các bên khi tiến hành hòa giải phải lập biên bản mà do các bên tự quyết định và cũng không quy định về hiệu lực pháp lý của thỏa thuận hòa giải thành. Tuy nhiên, Tổ hoà giải có thể dựa vào biên bản hoà giải thành để thuyết phục các bên thực hiện những thoả thuận đã ghi trong biên bản hoà giải.


2. Nội dung ghi biên bản hoà giải


Biên bản hoà giải thành gồm nội dung chính như sau:


Thời gian, địa điểm thực hiện hoà giải.


1. Căn cứ tiến hành hòa giải;


2. Thông tin cơ bản về các bên; (Thành phân tham dự (các bên tranh chấp, tổ viên Tổ hoà giải, những người được Tổ hoà giải mời tham gia hoà giải).


3. Nội dung chủ yếu của vụ, việc; (Tóm tắt nội dung vụ việc.)


4. Diễn biến của quá trình hòa giải;


- Ý kiến của các bên tranh chấp


- Ý kiến phân tích, hường dẫn, thuyết phục của người tiến hành hoà giải đối với các bên tranh chấp.


5. Thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện;


Kết quả hoà giải (nếu hoà giải thành thì ghi rõ nội dung mà các bên tranh chấp đã thoả thuận; nếu hoà giải không thành thì ghi rõ hướng dẫn của người tiến hành hoà giải đối với các bên tranh chấp về việc làm những thủ tục cần thiết để đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết).


6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;


7. Phương thức, thời hạn thực hiện thỏa thuận;


8. Chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của hòa giải viên.


3. Nội dung ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở


Theo quy định của Luật Hòa giải bắt buộc là: Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ việc hòa giải vào “Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở” ( Khoản 4, điều 21 của Luật hoà giải ở cơ sở năm 2013), sổ này do Bộ Tư pháp quy định.


1. Nội dung của “Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở “ có nội dung chủ yếu sau đây:


a) Ngày, tháng, năm nhận vụ, việc hoà giải;


b) Họ, tên, tuổi, địa chỉ của các bên; người có liên quan đến vụ, việc hoà giải;


c) Họ, tên của hòa giải viên, người được mời tham gia hoà giải (nếu có);


d) Nội dung chủ yếu của vụ, việc và yêu cầu của các bên;


đ) Kết quả hòa giải;


e) Chữ ký của hòa giải viên; người chứng kiến việc hòa giải và người được mời tham gia hòa giải (nếu có).


2. Sau khi kết thúc hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung ghi sổ.


3. Tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm lưu giữ, đôn đốc việc ghi Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.


4. Giải quyết trường hợp hòa giải không thành


- Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và cả hai bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, thì hòa giải viên tiếp tục tiến hành hòa giải.


- Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận và một bên yêu cầu tiếp tục hòa giải, nhưng có căn cứ cho rằng việc tiếp tục hòa giải không thể đạt kết quả thì hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở và hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.


- Trường hợp các bên yêu cầu lập văn bản hòa giải không thành, thì hòa giải viên lập văn bản, ghi rõ thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ, việc; yêu cầu của các bên; lý do hòa giải không thành; chữ ký của hòa giải viên.

bottom of page