top of page

Nghệ An nóng bỏng công tác quản lý giao đất, giao rừng

Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn Nghệ An diễn tiến chậm. Đâu là nguyên nhân? Ai chịu trách nhiệm? Cách thức giải quyết ra sao?

Việc thu hồi đất của các đơn vị để bàn giao lại cho địa phương gặp nhiều khó khăn, điển hình là diễn biến tại Thị xã Thái Hòa. Ảnh: VK.


Tại phiên chất vấn Kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An lần thứ XVII vào chiều 12/12, Đại biểu Lữ Thị Thìn (huyện Quế Phong) bày tỏ quan điểm: Công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, trong đó có thu hồi đất từ các Nông, Lâm trường trên địa bàn đến nay chưa có nhiều chuyển biến, người dân kiến nghị kéo dài trong thời gian qua.


“Nguyên nhân, trách nhiệm việc chậm trễ kéo dài này và hướng xử lý trong thời gian tới”, bà Thìn nêu câu hỏi.


Từ các ý kiến nêu lên tại Kỳ Họp HĐND thứ XVII, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn đề nghị Sở TN-MT không được "khoán trắng" cho các địa phương mà phải nghiên cứu, tham khảo để hướng dẫn phương án giao đất giao rừng phù hợp, đồng thời quản lý có hiệu quả.


Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Duy Việt, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, thực hiện Đề án giao đất giao rừng, hay nói cách khác là giao rừng gắn với đất lâm nghiệp có 11 Nông, Lâm trường trên địa bàn phải tiến hành rà soát, sắp xếp.


Tính đến 1/7/2020 đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi đất để giao cho UBND các huyện, thị xã quản lý, sử dụng với tổng diện tích hơn 11.514 ha.


Phần diện tích đất phải bàn giao còn lại khoảng 610 ha. Hiện trên đất đang có tài sản là cây trồng, dự kiến sau khi công ty thu hoạch xong sẽ tiếp tục thu hồi, bàn giao cho địa phương.


Quá trình thực hiện, Sở TN-MT đã phối hợp cùng các ngành, các đơn vị liên quan tổ chức bàn giao trên thực địa cho các địa phương có Nông, Lâm trường quản lý: “Sau khi bàn giao, đất sử dụng như thế nào thì trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND các huyện, xã. Ngành TN-MT, NN-PTNT và các ngành khác chịu trách nhiệm giám sát”, người đứng đầu ngành TN-MT tỉnh khẳng định.


Lý giải nguyên nhân dẫn đến những rào cản trong quá trình thực hiện Đề án này, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh cho rằng quy mô diện tích giao về địa phương không lớn nhưng điều kiện rừng, đất nằm ở vùng sâu, vùng xa đã gây ra nhiều trở ngại.


Ngoài ra, khi lập phương án và tổ chức thực hiện cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi ngân sách của địa phương cơ bản còn khó khăn, hạn chế.


Để tháo gỡ nút thắt, ông Võ Duy Việt đề xuất các địa phương thực hiện theo 2 cách.


Thứ nhất, khi được tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất thì có thể giao đất cho người dân theo phương pháp thủ công, khi có kinh phí sẽ tiến hành bàn giao, áp dụng chính quy trong công tác đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Hai là áp dụng xã hội hóa theo hình thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.


Ông Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch HĐND đề nghị các địa phương thống nhất địa giới hành chính với các Nông, Lâm trường, đồng thời phải có phương án đo đạc trên thực địa để bàn giao chính xác, kịp thời. Trường hợp không giao được cho cá nhân, phải giao cho tổ chức để có chủ quản lý và chịu trách nhiệm.


bottom of page