top of page

Phạm vi hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hoà giải ở cơ sở. Nhưng không phải mâu thuẫn nào cũng nằm trong phạm vi thẩm quyền của tổ hòa giải ở cơ sở. Chẳng hạn như trong lĩnh vực đất đai, việc hòa giải chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự về quyền sử dụng đất.


Phạm vi hòa giải ở cơ sở

Các mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải ở cơ sở


Căn cứ Điều 5 của Nghị định 15/2014/NĐ-CP ngày 27/4/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, các mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở gồm:

  1. ​Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

  2. Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

  3. Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

  4. Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;


Theo pháp luật hiện hành, các mâu thuẫn, tranh chấp KHÔNG thuộc phạm vi hoà giải ở cơ sở gồm:

  1. Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

  2. Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

  3. Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;

  4. Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;

  5. Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật Hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

  • Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;

  • Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các dạng tranh chấp đất đai được hòa giải ở cơ sở


Theo quy định của pháp luật hiện hành, có những tranh chấp phải thực hiện hòa giải cơ sở trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết. Đó là các tranh chấp đất đai phát sinh giữa những người sử dụng đất với nhau:


  • Các tranh chấp về quyền chiếm hữu, quản lý và sử dụng đất.

  • Các tranh chấp về tài sản liên quan đến đất đai.

  • Các tranh chấp về chuyển quyền sử dụng đất.

Xét về bản chất thì đây là những tranh chấp dân sự phát sinh giữa những người sử dụng đất với nhau trong quá trình sử dụng đất, bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ.


Nguyên tắc tự do, bình đẳng, thỏa thuận ý chí chi phối các giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất. Vì vậy, khi loại tranh chấp này phát sinh thì việc hòa giải được ưu tiên và khuyến khích áp dụng. Hơn nữa, các tranh chấp đất đai phát sinh giữa những người sử dụng đất với nhau ban đầu thường là những bất đồng, mâu thuẫn nhỏ, tính chất đơn giản nên chỉ cần tiến hành hòa giải là có thể hóa giải các mâu thuẫn này mà chưa phải đưa đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết.


Các dạng tranh chấp đất đai không hòa giải ở cơ sở


Theo quy định của pháp luật hiện hành, bên cạnh các tranh chấp đất đai phải thực hiện hòa giải ở cơ sở thì có những tranh chấp đất đai không phải thực hiện hòa giải ở cơ sở trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.


Đây là loại tranh chấp, xét về bản chất không phải là tranh chấp dân sự phát sinh giữa những người sử dụng đất với nhau mà là các tranh chấp hành chính phát sinh giữa người sử dụng đất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm:


  • Tranh chấp về quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế;

  • Tranh chấp về giá đất bồi thường;

  • Tranh chấp về thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

  • Tranh chấp về việc xây dựng khu tái định cư, chất lượng khu tái định cư;

  • Tranh chấp về việc đào tạo, chuyển đổi nghề cho người trực tiếp sản xuất bị mất đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp khác để bồi thường;

  • Tranh chấp liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm tranh chấp về điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp về đối tượng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp về nghĩa vụ tài chính mà người sử dụng đất phải nộp khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tranh chấp về số liệu diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).


Khi các tranh chấp này phát sinh, người dân sử dụng quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.


Tuy nhiên, do quy định của pháp luật hiện hành về trình tự khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; trước hết người dân phải gửi đơn khiếu nại đến tổ chức nhà nước nơi đã ban hành quyết định hành chính hoặc có hành vi hành chính bị khiếu nại để giải quyết. Nếu người dân không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì mới khởi kiện vụ việc ra Tòa hành chính để giải quyết. Cơ chế giải quyết khiếu nại này không đạt hiệu quả mong muốn; bởi lẽ, theo quy định hiện hành cơ quan bị khiếu nại lại chính là cơ quan giải quyết khiếu nại.


Mặt khác hệ thống tòa án nói chung và tòa hành chính nói riêng chưa thực sự độc lập nên khi giải quyết các vụ việc hành chính giữa một bên là người dân với bên kia là cơ quan công quyền, thẩm phán chịu rất nhiều áp lực trước, trong và sau vụ án. Trong phần lớn các trường hợp, người dân luôn ở vị trí yếu thế hơn so với cơ quan công quyền trong vụ án hành chính. Tỷ lệ vụ kiện hành chính mà người dân thắng kiện đạt thấp. Hậu quả là lợi ích, ý nguyện của người dân dường như không được bảo vệ dẫn đến việc khiếu kiện về đất đai kéo dài hoặc khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị.


Theo Tài liệu Dự án L4A

bottom of page