top of page

Thái Nguyên: Hòa giải thành trên 3.100 vụ việc

Năm năm qua, các cấp Hội tham gia hòa giải thành 3.138/3.993 vụ việc, chiếm tỷ lệ 78,5%, chủ yếu là tranh chấp, vướng mắc về đất đai, hôn nhân và gia đình.


Nguồn ảnh: Internet


Quá trình hòa giải, các hòa giải viên vận dụng quy định của pháp luật kết hợp với phong tục tập quán, tình làng, nghĩa xóm để giải quyết, phân tích, thuyết phục các bên tranh chấp tự thỏa thuận, đi đến giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, 656 vụ hòa giải không thành (chiếm 16,4%) được chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.


Bên cạnh đó, hàng năm, Hội ND các huyện, thị phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp và các ngành chức năng rà soát, kiện toàn, củng cố 2.442 tổ hòa giải cơ sở, gồm 13.536 hòa giải viên trong đó có 1.682 hòa giải viên là cán bộ, hội viên nông dân. Các tổ hòa giải được thành lập theo thôn, xóm, có chi hội nông dân và có sự tham gia phối hợp của các ngành, đoàn thể, các cấp Hội kịp thời nắm bắt, hòa giải những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân hạn chế phát sinh thành khiếu kiện.


Tại các buổi hòa giải, các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật các cấp Hội đã phát 5.000 tờ rơi, tờ gấp pháp luật tuyên truyền về công tác hòa giải ở cơ sở, thông qua các cuộc họp thôn, xóm, chi bộ và qua hệ thống loa truyền thanh của thôn, xóm cho trên 1.150.200 lượt cán bộ, hội viên, nông dân.


Cùng với công tác hòa giải, các cấp Hội phối hợp với chính quyền cùng cấp tham gia tiếp công dân, tổ chức các buổi đối thoại với nông dân, phối hợp với chính quyền công khai chủ trương, chính sách của địa phương, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.


Ngoài ra, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia góp ý 562 dự thảo văn bản chính sách, pháp luật, tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước nhất là các văn bản liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.


Nhờ kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền, tăng cường hoạt động hòa giải ngay tại cơ sở góp phần nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, tạo điều kiện để nông dân tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân, tham gia quản lý Nhà nước, xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở, hạn chế phát sinh khiếu kiện đông người, vượt cấp./.


bottom of page