top of page

Già làng Bá Kiêu làm dân vận khéo

Từng làm Bí thư Ðảng ủy xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn (Bình Định) 2 nhiệm kỳ, năm 2012 nghỉ hưu, già làng Đinh Đen, tên thường gọi là Bá Kiêu luôn hăng hái tham gia công tác dân vận, hòa giải tại cơ sở, bảo tồn văn hóa truyền thống, góp phần giúp bà con vùng cao nơi đây có cuộc sống bình yên, no ấm.


Xã Vĩnh An có 404 hộ với 1.510 nhân khẩu được chia thành 5 làng, trong đó đồng bào Ba Na chiếm gần 90%. Kinh tế của bà con ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn nhiều khó khăn, nên công tác vận động tham gia các mô hình sản xuất, bảo tồn văn hóa gặp không ít trở ngại. “Mình phải gương mẫu, luôn phân tích nhẹ nhàng, không nóng vội thì bà con mới nghe và làm theo…”, già làng Bá Kiêu chia sẻ.


Già làng Bá Kiêu (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm làm công tác dân vận tại địa phương.


Khi mới có chủ trương vận động bà con tham gia các mô hình phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân còn ngần ngại, không muốn tham gia. Già làng Bá Kiêu đã xung phong làm trước, ông cùng gia đình cải tạo vườn trồng cây ăn quả, trồng rau sạch và trồng cây keo lai. Sau khi thấy được hiệu quả từ việc làm của ông Bá Kiêu, nhiều người dân đã làm theo. Giờ đây, hầu hết các hộ gia đình ở xã Vĩnh An đều biết tận dụng đất vườn nhà để sản xuất, có rau sạch để ăn, còn dư thì mang ra chợ bán, nâng cao thu nhập cho gia đình.


Trước đây, cuộc sống của gia đình ông Đinh Sét và bà Đinh Thị Lanh luôn bất hòa vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con cái đông. Ông Đinh Sét thường xuyên uống rượu và dùng rượu “làm cớ” để gây gổ, chửi mắng và đánh đập vợ con. Biết tin, già làng Bá Kiêu đã nhiều lần tìm đến gia đình ông Sét, khuyên răn và hòa giải. Ông Đinh Sét sau đó đã bỏ hẳn rượu, tu chí làm ăn, từng bước phát triển kinh tế và gia đình trở nên đầm ấm, hạnh phúc.


Hay như, hai gia đình khác là hộ ông Đinh Văn Mứt và hộ ông Đinh Gon trước kia cũng thường xuyên mâu thuẫn, gây gổ vì tranh chấp đất rẫy canh tác. Nhận được phản ánh của Nhân dân, ông Kiêu đã mời cán bộ địa chính xã đến đo đạc, kiểm tra lại đất đai của 2 gia đình. Còn ông cũng đến tìm hiểu đúng sai và vận động, khuyên giải để 2 gia đình thông tỏ. Từ đó đến nay, 2 hộ không còn tranh cãi, tranh chấp, tình làng nghĩa xóm đã khắng khít hơn.


Ông Bá Kiêu tâm sự: “Mâu thuẫn của các hộ dân trong làng chủ yếu là bạo lực gia đình dẫn đến tự sát, gây gổ đánh nhau và tranh chấp đất đai canh tác... Để hòa giải và vận động, mình phải đi đến từng nhà nhiều lần, lắng nghe, chia sẻ và kiên trì giải thích, phân tích cái lợi và mặt hại của từng trường hợp; để người dân hiểu, nhận thức được vấn đề, từ đó điều chỉnh hành vi của mình, góp phần giúp gia đình, cộng đồng làng xóm yên bình”, già làng Bá Kiêu tâm sự.


Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, nhận xét: “Ông Bá Kiêu là một trong những già làng uy tín có nhiều kinh nghiệm làm công tác dân vận. Ông luôn cởi mở, gần gũi và khéo léo trong cách nói chuyện, nên đã dễ dàng thuyết phục bà con từng bước làm theo những điều tốt, lẽ phải. Trong quá trình vận động của ông, dân làng đã biết chăm chỉ lao động sản xuất, xóa bỏ hủ tục, sống văn minh, hiện đại hơn. Nhiều năm liền, già làng Bá Kiêu đã vinh dự được nhận Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh và huyện Tây Sơn vì có nhiều thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác dân tộc và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.


bottom of page