top of page

Yên Bái: Vẫn còn tình trạng đất rừng bị xâm lấn

Trong thời gian qua, trong lĩnh vực lâm nghiệp tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, tình trạng đất rừng bị xâm lấn vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.


Chỉ riêng trong năm 2020 toàn tỉnh diện tích đất rừng bị xâm lấn là 28,54ha


Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2020 toàn tỉnh diện tích đất rừng bị xâm lấn là 28,54ha.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, có nhiều nguyên nhân đẫn đến đất rừng bị xâm lấn. Trước hết, là do nhận thức của một số bộ phận người dân địa phương về công tác bảo vệ rừng còn thấp, mặt khác do nhu cầu có đất sản xuất nông, lâm nghiệp ngày càng tăng cao của người dân.


Riêng đối với huyện Văn Yên, người dân lấn chiếm đất rừng chủ yếu là để trồng quế, vì thời gian qua giá trị và lợi nhuận của cây quế mang lại tăng cao, bởi vậy họ sẵn sàng bất chấp, lén lút để xâm lấn đất rừng. Cùng đó, việc phân định các loại rừng tại thực địa chưa rõ ràng, do chưa cắm mốc giới 3 loại rừng dẫn đến một số khu vực người dân địa phương chưa xác định được ranh giới các loại rừng và chủ quản lý.


Bên cạnh đó, phải kể đến trách nhiệm quản lý nhà nước của một số cấp ủy, chính quyền địa phương cơ sở về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa cao, mang tính thời vụ, thiếu tính thống nhất, chưa coi trọng phát triển bền vững. Một số cán bộ tham mưu về lĩnh vực lâm nghiệp tại cơ sở chưa phát huy hết vai trò chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chưa đi sâu, đi sát, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.


Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Ngay sau khi phát hiện các vụ việc liên quan đến xâm lấn đất rừng, Sở đã báo cáo UBND tỉnh và đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương nơi xảy ra mất rừng, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát toàn bộ diện tích rừng bị xâm lấn trên địa bàn.


Cùng với đó, phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức điều tra nguyên nhân, xử lý và đề xuất xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước; đề nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân tại địa phương để xảy ra mất rừng mà không có giải pháp ngăn chặn một cách kịp thời. Đối với diện tích bị xâm lấn, đã đề xuất giao lại cho các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng tiếp tục bảo vệ để rừng tái sinh tự nhiên.


“Đồng thời, Sở cũng đã giao cho Chi cục Kiểm lâm làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu để xảy ra tình trạng xâm lấn rừng trên địa bàn mình quản lý; nghiêm túc kiểm điểm các đơn vị, cá nhân chưa đi sâu, bám sát địa bàn để phát hiện và đề xuất giải pháp ngăn chặn kịp thời các vụ việc phá rừng, lấm chiếm đất rừng trái pháp luật đã xảy ra trong thời gian qua”, ông Nguyễn Thái Bình nói.




Comments


bottom of page